Phong Thổ: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
![]() Anh Teo Văn Duyên bản Vàng Pheo xã Mường So huyện Phong Thổ kiểm tra máy cày cho hộ gia đình trong bản |
Theo đó, các cơ quan chuyên môn như Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người yếu thế, các đối tượng chính sách…
Ông Vương Biên Thùy, Phó Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phong Thổ cho biết: Năm 2017 toàn huyện đã hỗ trợ đào tạo được 903 lao động nông thôn, đào tạo nghề ngắn hạn trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 35,96%. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy móc…Việc đào tạo được triển khai dựa trên cơ sở lý thuyết và thực hành trên các mô hình thực tế. Sau đào tạo có trên 70% lao động có việc làm hoặc tự tạo việc làm, một số lao động có thể tự mở xưởng sửa chữa hoặc đến tận nhà sửa chữa cho bà con trong thôn, bản…
Có được kết quả đó là nhờ các đơn vị chức năng đã làm tốt ngay từ những khâu ban đầu như tuyên truyền, tư vấn đào tạo và việc làm đối với lao động nông thôn được triển khai dưới nhiều hình thức như lồng ghép tuyên truyền với các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn lao động việc làm, các đợt kiểm tra, giám sát, các cuộc họp thôn bản. Với đặc thù đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Phong Thổ đã chú trọng đào tạo ngành nghề căn cứ trên nhu cầu lao động việc làm, phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng, góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen trong canh tác, nuôi trồng, sản xuất hàng hóa theo hướng dịch vụ có giá trị kinh tế, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống Nhân dân.
Thời gian đào tạo nghề được xác định bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng nghề, nhóm nghề và điều kiện của người học. Qua hoạt động đào tạo nghề, học viên đã tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm chi phí và tăng quy mô sản xuất, năng suất lao động. Đồng thời, tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tiếp thu những kiến thức mới về lĩnh vực mình đào tạo, từ đó có thể tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tạo việc làm, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đối với các lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy… sau khi học xong, học viên biết ứng dụng sửa chữa máy móc hỏng để phục vụ cho sản xuất và đi lại của gia đình. Anh Teo Văn Duyên bản Vàng Pheo xã Mường So huyện Phong Thổ đã được học lớp dạy nghề về sửa chữa máy móc, máy nông cụ nay anh đã biết áp dụng vào thực tế của gia đình biết tự sửa chữa máy cày, máy bừa phục vụ sản xuất của gia đình. Anh Duyên tâm sự: Trước kia tôi chưa được tham gia học lớp máy cày, máy bừa của gia đình bị hỏng không biết sửa chữa để một chỗ phải đi mượn hoặc thuê của hộ gia đình khác. Từ khi được học lớp sửa chữa máy móc về, tôi đã biết áp dụng tự sửa chữa, mua thiết bị máy móc về thay thế để sử dụng vào sản xuất mùa vụ của gia đình. Không chỉ sửa chữa thay thế máy móc của gia đình mà tôi còn có thể sửa giúp cho bà con trong thôn bản nữa...
Bên cạnh đào tạo nghề, các nghề truyền thống như kỹ thuật chăm sóc cây, con giống cũng được huyện Phong Thổ quan tâm thực hiện. Đáng chú ý, năm 2017 huyện Phong Thổ đã mở được 8 lớp kỹ thuật trồng chuối cho bà con các xã Ma Ly Pho, Huổi Luông, Khổng Lào… Anh Cao A Gó cán bộ văn hóa xã Huổi Luông huyện Phong Thổ cho biết: Trước đây, cây chuối được trồng theo truyền thống của bà con mỗi gốc để từ 5-6 mầm cây chuối nhưng từ khi được tham gia lớp học về kỹ thuật trồng chuối, bà con chỉ để mỗi cụm 2-3 mầm chuối để cho cây phát triển tốt cho buồng chuối to quả đều, hạn chế sâu bệnh, giá bán cũng được giá hơn…
Có thể thấy việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Phong Thổ đã đem lại những hiệu quả bước đầu làm thay đổi nhận thức cũng như tư duy sản xuất của một bộ phận người dân nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập đối với lao động nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, trình độ của lao động nông thôn từng bước được nâng lên, tạo điều kiện tốt để tiếp nhận việc triển khai các mô hình, đề án phát triển sản xuất tại địa phương.
Để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thời gian tới huyện Phong Thổ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp để tạo việc làm thu hút lao động nông thôn; xây dựng thị trường thông tin về đào tạo nghề và thị trường lao động; đẩy mạnh liên kết với các trung tâm trong và ngoài tỉnh trong việc phát triển nhân lực nông thôn, tăng cường dạy nghề cho lao động xuất khẩu… Chú trọng phát triển mở các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện phát triển của huyện để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Nguyễn Nga