• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng văn hóa đọc cho học sinh tiểu học

(laichau.gov.vn)

Quan tâm xây dựng các mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”… các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã tạo thói quen đọc sách cho học sinh. Qua đó, giúp các em phát triển toàn diện về trí tuệ, tinh thần, nâng cao hiểu biết.

Sách có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, vừa giúp người đọc có những thông tin cần thiết, hữu ích; vừa như một chất xúc tác rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, trí tưởng tượng sáng tạo. Đặc biệt, đây là những yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của học sinh, nhất là học sinh tiểu học, khi các em vừa mới trải qua quá trình tôi luyện với cách đánh vần, ghép vần đọc. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho học sinh tiểu học được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm thực hiện thông qua việc triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh. Nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo được đẩy mạnh thực hiện như: Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa việc đọc sách; kiện toàn mạng lưới thư viện trường tiểu học, trong đó tập trung tu bổ, xây mới các thư viện trường học; đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ thư viện; phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc", ngày hội sách... Qua đó, nhằm phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 90% học sinh có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu, giải trí.

Học sinh trường Tiểu học số 2, thành phố Lai Châu đọc truyện trong giờ ra chơi.
Học sinh trường Tiểu học số 2, thành phố Lai Châu đọc truyện trong giờ ra chơi.

Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chủ động hướng dẫn các trường tiểu học xây dựng các mô hình "Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”, “Thư viện linh hoạt”, xây dựng tủ sách lớp học nhằm tạo thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên, hướng đến xây dựng các thư viện đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước đó, được tham dự một tiết học tại thư viện của học sinh lớp 4 (Trường Tiểu học Ta Gia, xã Ta Gia, huyện Than Uyên), chúng tôi thấy học sinh được thỏa thích lựa chọn các thể loại sách, truyện, báo, tạp chí… để đọc theo bảng mã phân màu. Em nào cũng chăm chú đọc, từng trang sách cứ lật qua, lật lại thật nhẹ nhàng khiến chúng tôi muốn ngắm mãi những nét hồn nhiên, ngây thơ của các em khi đọc sách.

Em Tòng Văn Thợng (học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Ta Gia) chia sẻ: Em rất thích đọc sách, mỗi giờ ra chơi hay tiết đọc sách của lớp, em đều tranh thủ thời gian để đọc nhiều cuốn sách, truyện cổ tích, truyện tranh. Với em, sách vừa là bạn, vừa là thầy. Đọc sách giúp em có thêm nhiều kiến thức và đọc được nhiều bài học hay.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Nhật - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ta Gia cho biết: Trường có 29 lớp với 772 học sinh. Với một trường ở vùng còn khó khăn như Ta Gia thì đọc sách không chỉ giúp học sinh phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu thu hút học sinh đến trường, giúp duy trì tỷ lệ chuyên cần. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng đầu tư xây dựng thư viện trong nhà, ngoài trời; huy động học sinh, giáo viên ủng hộ sách báo, truyện tranh để làm phong phú thêm các đầu sách cho thư viện; trang trí thư viện ngoài trời bằng những họa tiết hoa văn, cây xanh, tạo sự thân thiện, gần gũi, giúp các em thoải mái hơn khi đọc sách. Đồng thời, nhà trường duy trì tiết đọc thư viện với nhiều hình thức như: Học sinh được tùy chọn sách, truyện để đọc hoặc đọc một câu chuyện rồi kể lại bằng những hoạt cảnh hoặc vẽ tranh thể hiện… gây hứng thú đọc sách cho các em.

Đặc biệt, trong những ngày học sinh nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh luôn duy trì nét đẹp của văn hóa đọc cho học sinh dưới nhiều hình thức đa đạng. Ông Trịnh Ngọc Hải- Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Than Uyên cho biết: Đối với các trường tiểu học có điều kiện thuận lợi, Phòng chỉ đạo các trường tiếp tục hướng dẫn cho các em học sinh đọc sách trong các buổi học trực tuyến; đối với các trường có điều kiện khó khăn thì thầy cô giáo ở các trường khuyến khích học sinh đọc sách, báo, truyện tranh thông qua việc giao bài tập. Hưởng ứng "Ngày hội đọc sách", Phòng chỉ đạo các trường tổ chức cho các em viết cảm nhận về một cuốn sách hay, một câu chuyện ý nghĩa mà các em đã đọc trong sách, báo trong dịp nghỉ học. Qua đó, rèn thói quen cho các em học sinh dù đến trường hay ở nhà vẫn duy trì việc đọc sách, báo để trau rồi kiến thức, khả năng ngôn ngữ của mình. 

Chúng tôi đến thăm “Thư viện thân thiện” của Trường Tiểu học số 2 (thành phố Lai Châu) - thư viện được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là thư viện xuất sắc nhất năm 2019 trong ngày đầu tiên trở lại trường học sau thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19. Ngay từ ngoài cửa thư viện, chúng tôi đã bị thu hút bởi cách trang trí, sắp xếp gọn gàng, bắt mắt. Ở hai đầu thư viện là các bức tranh vẽ minh họa: câu chuyện về tình bạn của các loài động vật sống trong rừng; hình ảnh học sinh cùng đọc sách với 2 câu khẩu hiệu thật ấn tượng “Sách vừa là bạn, vừa là thầy”, “Chỉ có sách với người thầy mới làm nên trường học”; các giá sách được phân loại: sách dành cho thiếu nhi, sách tham khảo, sách tài liệu, xếp ngay ngắn, phân chia theo bảng màu để học sinh dễ tìm, dễ lấy. Ngoài ra, không gian thư viện còn được trang trí bằng những cây xanh, các bức tranh do học sinh vẽ…

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 cho biết: Nhà trường luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 được đọc sách mỗi ngày ở thư viện. Trong các tiết đọc thư viện, giáo viên thường xuyên khích lệ, động viên học sinh kể lại cho các bạn trong lớp nghe về câu chuyện hay đã đọc trong tuần. Hàng ngày, cán bộ thư viện cho học sinh mượn sách, truyện về nhà đọc. Hằng năm, trường tổ chức Ngày hội sách để thu hút học sinh tham gia đọc. Đối với học sinh lớp 1, các em vừa mới tiếp xúc với các con chữ, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm, học sinh lớp 4, 5 hướng dẫn các bạn nhỏ đọc sách, truyện tranh ở Thư viện xanh. Còn tại thời điểm này, nhà trường vẫn duy trì văn hóa đọc cho học sinh bằng cách luân phiên cho học sinh các lớp đọc sách tại thư viện xanh, ghế đá để đảm bảo các em được tự do đọc sách, truyện mà vẫn thực hiện được khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang khi đọc. Hiện nay, trường có 5.000 quyển sách, truyện tranh các loại phục vụ nhu cầu đọc sách của thầy và trò.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 97 trường tiểu học với trên 58 nghìn học sinh. Đến nay, 100% trường tiểu học có thư viện trường học, trong đó: 52 trường có thư viện đạt chuẩn (về số lượng sách, báo, tạp chí; phòng thư viện, trang thiết bị chuyên dùng, tổ chức hoạt động của thư viện). 

Hy vọng, những năm học tiếp theo, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình của thư viện để phát triển văn hóa đọc cho học sinh, giúp các em nâng cao vốn tiếng Việt, tạo hứng thú tự học, tự nghiên cứu và có tư duy độc lập, sáng tạo; đồng thời giảm bớt căng thẳng, áp lực sau giờ học…

Cập nhật ngày 07/5/2020.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.940
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 228.844
Năm 2024 : 659.679
Tổng số : 82.125.772