A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Họp Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh

(laichau.gov.vn)

Chiều nay (17/2), Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với UBND các huyện, thành phố để đánh giá kết quả triển khai thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lai Châu năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020; tình hình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh.

Dự Hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.

Đồng chí Trần Tiến Dũng -  Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.

 

Thực hiện Quyết định 28/2018/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/7/2018 về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, hàng năm tỉnh Lai Châu đã tiết kiệm được nguồn ngân sách đáng kể cho nhà nước. Tính đến ngày 14/2/2020, tổng số văn bản đến, đi điện tử tích hợp chữ ký số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh là 1.496.585 văn bản, trong đó có trên 1.316.627 văn bản đến và 179.958 văn bản đi. Qua đó, góp phần giảm đáng kể thời gian gửi, nhận văn bản điện tử, thời gian xử lý công việc, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc; ước tính ban đầu đã tiết kiệm được hơn 7 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh từ chi phí giấy, mực, cước bưu chính. Tỉnh đã xây dựng hệ thống hòm thư công vụ tỉnh với quy mô 3.000 hòm thư, cấp cho 4.228 cá nhân, tổ chức trong toàn tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch điện tử trên môi trường mạng; đã cấp 1.756 chữ ký số, trong đó 1.266 chữ ký số cá nhân, 490 chữ ký số của tổ chức; cùng với đó đã triển khai cấp 120 chữ ký số trên thiết bị di động cho cá nhân, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức xử lý điều hành công việc mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, kịp thời.

Đối với Cổng Dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử cung cấp hơn 2.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó mức độ 2 là 1.903, mức độ 3 là 58, mức độ 4 là 73 dịch vụ. Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công - Hệ thống một cửa điện tử tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Thảo luận tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo, các huyện, thành phố đều khẳng định những tiện ích mà chính quyền điện tử mang lại trong quá trình điều hành, thúc đẩy nâng cao công tác cải cách hành chính, giảm thiểu được chi phí cho nhà nước. Đồng thời, các ý kiến thảo luận tập trung phân tích khó khăn về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, cán bộ công chức, viên chức; đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh đẩy mạnh tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số, cải cách hành chính tại tất cả các cơ quan, đơn vị và tăng cường công tác tuyên truyền về cải cách hành chính trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng...

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tiến DũngChủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số cá nhân, tổ chức chưa chú trọng đến vấn đề này; việc các cơ quan, đơn vị sử dụng hòm thư công vụ vẫn còn hạn chế, do vậy Sở Thông tin và Truyền thông cần phải rà soát, nâng cấp và cấp hòm thư công vụ cho tất cả các cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo của tỉnh, huyện, thành phố và các thành viên cần xây dựng kế hoạch ưu tiên về xây dựng Chính quyền điện tử trong năm 2020; ưu tiên lựa chọn những phần mềm ứng dụng thông minh, có tính tích hợp cao, có chức năng cảnh báo và giám sát quá trình giải quyết các thủ tục hành chính; quyết tâm thực hiện chữ ký số, tiến tới phải ứng dụng được trên điện thoại thông minh. Đặc biệt phải triển khai xong mô hình phòng họp không giấy tờ và sẽ thực hiện thí điểm tại phiên họp UBND tỉnh tháng 4/2020; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ wifi miễn phí tại các điểm du lịch; đưa vào tiêu chí thi đua, chấm điểm đối với các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai chính quyền điện tử; các sở, ngành rà soát lại trang thiết bị để đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ; 100% các máy tính của xã phải kết nối internet và có cơ chế ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các địa phương còn thiếu.

Đồng thời, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông mở các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh về các tiêu chí thực hiện chính quyền điện tử, đảm bảo bảo mật thông tin; Sở Tư pháp phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh rà soát các thủ tục hành chính bổ sung thêm vào danh mục thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh…


Tác giả: Phạm Thu Hoài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 380
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 126.734
Năm 2024 : 798.324
Tổng số : 82.264.417