Tạo đà cho du lịch Tam Đường cất cánh
Khai thác những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ cùng bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc, những năm qua, huyện Tam Đường đã lãnh, chỉ đạo linh hoạt, đổi mới, sáng tạo các giải pháp phát triển du lịch, đồng thời đưa ra những cơ chế thông thoáng, mở cửa, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Qua đó, du lịch Tam Đường ngày một khởi sắc, lượng khách tới tham quan, trải nghiệm ngày một đông, đây là bước đệm, tạo đà cho ngành "công nghiệp không khói" cất cánh.
Tam Đường là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, có quốc lộ 4D, quốc lộ 32 đi qua, giáp với thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) - khu du lịch nổi tiếng của cả nước. Nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch: cộng đồng, sinh thái, tâm linh, thể thao mạo hiểm... Toàn huyện hiện có 12 điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh, trong đó nhiều khu du lịch, điểm du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, Khu vực Cổng Trời - Đèo Ô Quy Hồ; các bản du lịch cộng đồng còn giữ được các bản sắc văn hoá độc đáo: Bản Thẳm (xã Bản Hon), Sì Thâu Chải (Hồ Thầu), Lao Chải 1 (Khun Há)…
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Sùng Lử Páo - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, cùng với những phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá của 12 dân tộc trên địa bàn, tận dụng những tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch. Hằng năm, huyện triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, quảng bá du lịch, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, đôn đốc các điểm du lịch cộng đồng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang bản, đào tạo tập huấn nguồn nhân lực du lịch, xây dựng các homestay, tạo các điểm check-in mới lạ, hấp dẫn. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá các sự kiện văn hóa, du lịch trên địa bàn thông qua đăng tải các tin, bài, video trên báo, truyền hình, các trang fanpage… Đặc biệt, trong năm 2023 huyện Tam Đường tổ chức thành công 9 lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới tham quan, trải nghiệm. Tổng lượng khách du lịch đạt 380.000 lượt, đạt 135,7% so với kế hoạch, doanh thu đạt 140,64 tỷ đồng đạt 136,9% so với kế hoạch”.
Nếu có dịp đến với Tam Đường vào các dịp lễ hội được tổ chức trong năm 2023, chắc hẳn du khách sẽ thấy một Tam Đường hoàn toàn mới mẻ, độc đáo, mỗi lễ hội lại mang một màu sắc riêng. Trải nghiệm Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường với chủ đề “Hội Mông trên rẻo cao" vào dịp Quốc khánh 2/9, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang chín vàng đẹp như tranh, làm đắm say lòng người; được thưởng thức màn đồng diễn khèn Mông liên thế hệ cùng sự tham gia của gần 100 nghệ nhân, diễn viên, đặc sắc nhất phải kể đến là Giải đua ngựa mở rộng huyện Tam Đường diễn ra gay cấn, quyết liệt từ vòng loại đến chung kết, thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến xem và cổ vũ nhiệt tình.
Hay Tuần Văn hoá - Du lịch huyện Tam Đường tại bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), thu hút hơn 11.000 du khách trong và ngoài huyện với nhiều chương trình hấp dẫn như: Đêm khai mạc với chương trình nghệ thuật thực cảnh độc đáo giới thiệu về những nét đẹp truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện như: Thái, Dao, Giáy, Lự, Lào, Mông…; trưng bày không gian truyền thống, thi đấu các môn thể thao dân tộc, Giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng lần thứ II với sự tham gia của gần 100 phi công trong nước và quốc tế, Giải chạy truyền thống PuTaLeng mở rộng lần thứ I thu hút gần 200 vận động viên trong toàn tỉnh …
Chị Phùng Thu Huyền (thành phố Hà Nội) chia sẻ: "Đến với Tam Đường, tôi thấy cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành, mát mẻ, người dân thân thiện, mến khách. Tôi được tham quan Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, tôi thấy nơi đây được xây dựng rất quy mô, hoành tráng, đứng từ cầu kính nhìn xuống mặc dù hơi sợ nhưng rất thú vị, cảm giác khó quên. Ngoài ra, tôi được trải nghiệm rất nhiều phong tục tập quán độc đáo, các món ăn hấp dẫn của các dân tộc trên địa bàn huyện tại Tuần Văn hoá - Du lịch huyện Tam Đường, nhất định tôi sẽ ghé thăm nơi đây nhiều lần để có những trải nghiệm hấp dẫn hơn nữa vào những lần sau".
Song song với tổ chức các lễ hội, huyện duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động 4 Câu lạc bộ khèn mông tại các xã: Thèn Sin, Tả Lèng, Nùng Nàng, Giang Ma; 6 Câu lạc bộ văn nghệ dân gian truyền thống của các dân tộc như: bảo tồn nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ dân gian dân tộc Lào; nghệ thuật dân gian dân tộc Lự; Câu lạc bộ Pí kẻo; nghề dệt dân tộc Lự; lễ hội Tủ cải dân tộc Dao... Tăng cường hoạt động đối với 128 đội văn nghệ quần chúng bản. Đồng thời, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian nhất là dịp mừng Đảng mừng xuân, dịp quốc khánh 2/9, nghỉ lễ 30/4 và 1/5... Cùng với đó, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cho công chức huyện, nghệ nhân, người lưu truyền nghề truyền thống trên địa bàn huyện tham quan, học tập kinh nghiệm về phát triển nghề truyền thống, kinh nghiệm làm du lịch để bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, bản sắc văn hoá các dân tộc, tạo ra các sản phẩm du lịch, thu hút khách du khách.
Những năm tới, để phát triển hơn nữa ngành “công nghiệp không khói” huyện sẽ đẩy mạnh quảng bá các điểm đến hấp dẫn trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hoạt động giao lưu, xúc tiến, kết nối, mở rộng thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế; đưa ra những chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Tam Đường để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng mới mẻ, hấp dẫn.
Tin rằng, với những định hướng đúng đắn, sự quyết tâm, nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, du lịch Tam Đường sẽ ngày càng vươn xa, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Cập nhật ngày 22/1/2024