A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng chống, lãng phí trong các cơ quan Trung ương

(laichau.gov.vn)

Mới đây, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách”. Nội dung bài viết có giá trị chỉ đạo sâu sắc, là cơ sở để tiếp tục nâng cao chất lượng phòng chống lãng phí trong các cơ quan Trung ương, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Trong bài viết “Chống lãng phí”, đồng chí Tổng Bí thư đánh giá, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước. Tuy nhiên lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư đã đề ra bốn giải pháp trọng tâm để công tác phòng, chống lãng phí được thực hiện quyết liệt trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên đối với công tác phòng, chống lãng phí.

Tổng Bí thư Tô Lâm.

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là sự cụ thể hóa tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời kỳ đất nước đang bước vào “kỷ nguyên mới”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một quy luật đi lên của một đất nước. Theo Bác, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ” (1); đồng thời Người luôn chú trọng phòng, chống lãng phí: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ” (2). Người chỉ rõ: “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu” (3). 

Thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương bao gồm 61 đảng bộ trực thuộc, với gần tám vạn đảng viên đang công tác trong cơ quan tham mưu chiến lược, hoạch định chính sách tầm vĩ mô của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương. Trong những năm qua, Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc đã phối hợp với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, trong đó có việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua các giai đoạn; công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí được thực hiện toàn diện với quyết tâm chính trị cao, không có vùng cấm và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan Trung ương còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ ra qua các vụ án, vụ việc cho thấy một số bộ, ngành còn gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng qua các dự án đầu tư công; ở một số cơ quan, đơn vị có tình trạng đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ chưa đúng người, đúng việc, thiếu khách quan, toàn diện, chưa tạo được môi trường làm việc bình đẳng để tạo cơ hội cho cán bộ yên tâm công tác, cống hiến; việc áp dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu trong hoạt động hành chính thiếu đồng bộ, tập trung, thống nhất dẫn đến sự lãng phí lớn trong hoạt động công vụ của nhiều cơ quan, đơn vị...

Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn nêu trên là do một số quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí chưa được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm; vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và sự nêu gương của người đứng đầu chưa được đẩy mạnh và phát huy đầy đủ; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về phòng, chống lãng phí có nơi, có việc còn hình thức; công tác đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn cảm tính, có biểu hiện “lợi ích nhóm” trong khi chính sách bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm chưa hình thành trong thực tế dẫn đến sự hoài nghi, thậm chí mất đoàn kết nội bộ trong một số cơ quan, đơn vị... Những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nói chung và công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực nói riêng.

 4 giải pháp trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để đưa chủ trương, đường lối của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống, hưởng ứng những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí”, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức tại các cơ quan Trung ương cần quán triệt và thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhấtcấp ủy các cấp cần phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực tham mưu tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí phù hợp với tình hình mới theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu và giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Thứ hai, đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác thu hút và trọng dụng người có tài năng trong lĩnh vực, trong ngành mình. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được khẳng định và thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, đặc biệt từ những năm đầu đổi mới cho đến nay, trong đó phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng đúng và đãi ngộ xứng đáng các tài năng là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cũng chính là giải pháp quan trọng đối với việc lãng phí chất xám, bố trí người không đúng chuyên môn, sở trường.

Thứ ba, từng cán bộ, công chức các cơ quan Trung ương cần xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của bản thân, có tinh thần tự giác tiết kiệm, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc, tiết kiệm sức lao động để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao cho; phải nhận thức sâu sắc rằng tất cả những gì mình đang sử dụng đều là tiền của Nhà nước, của Nhân dân, do ngân sách nhà nước chi trả. Bởi thế, tiết kiệm là việc làm thiết thực nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của bản thân, của cơ quan, mỗi cán bộ, công chức cần nâng niu, quý trọng, bảo vệ và tiết kiệm những gì nhỏ nhất được cơ quan trang bị phục vụ công việc cho công việc chung của cơ quan, đơn vị. Như vậy, song hành với việc tiết kiệm, mỗi cán bộ, công chức cần luôn ý thức nâng cao chất lượng tham mưu, chất lượng công việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới.

Thứ tư, thường xuyên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như Bác Hồ đã từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Không gì có sức lan tỏa mạnh mẽ bằng những việc làm cụ thể của những con người cụ thể sống xung quanh mà chúng ta được tận mắt chứng kiến, tiếp xúc và cũng từ đó mà học tập và noi theo. Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ lãnh đạo trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần kết hợp chặt chẽ giữa sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân từng cán bộ lãnh đạo với sự giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng. Thêm vào đó, mỗi cán bộ lãnh đạo nhất là những người đứng đầu phải là người tiên phong, gương mẫu thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan và dân chủ tại cơ sở, theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ”; xây dựng môi trường tập thể lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật và sự đoàn kết, thống nhất cao, trên dưới một lòng, chung sức xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.

Thứ năm, tập trung triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính. Áp dụng triệt để công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, khai thác hiệu quả dữ liệu dùng chung phục vụ hoạt động công vụ, bảo đảm thông suốt, công khai, minh bạch, vì người dân, doanh nghiệp, trong đó, nghiên cứu đồng bộ hóa về công nghệ trong hoạt động của các cơ quan Đảng với các cơ quan Nhà nước.

Những chỉ dẫn và tấm gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cùng với đó, những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí. Những điều nói trên là bài học có ý nghĩa sâu sắc, là cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý mang tính định hướng tư tưởng, điều chỉnh hành vi đối với mỗi người Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên công chức trong các cơ quan Trung ương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tư tưởng tiết kiệm, chống lãng phí sẽ biến thành hành động thiết thực, cụ thể và trở thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam hiện đại, góp phần đưa chúng ta vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Tài liệu tham khảo:

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 127-128.

(2), (3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 357 - 358, 295.

Hoàng Thị Hồng Vân
(Trung tâm Bồi dưỡng chính trị ĐUK)

Cập nhật ngày 1/11/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.106
Hôm qua : 4.225
Tháng 01 : 119.197
Năm 2025 : 119.197
Tổng số : 84.076.130