• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đặc sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Lự

(laichau.gov.vn)
Người Lự là một trong những dân tộc thiểu số của nước ta. Tính tới thời điểm hiện tại người Lự trong cả nước có khoảng 6.500 người. Tại Lai Châu, người Lự cư trú tập trung chủ yếu ở hai huyện Tam Đường, Sìn Hồ. Dân tộc Lự có nhiều nét văn hoá truyền thống độc đáo, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các cô gái dân tộc Lự duyên dáng trong trang phục truyền thống.

Cuộc sống thường nhật của người Lự gắn liền với canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏNgoài thời gian lao động sản xuất, những lúc nông nhàn phụ nữ dân tộc Lự họ thường quây quần thêu thùa, dệt vải. Hầu hết các gia đình người Lự đều có khung dệt và các dụng cụ se sợi, quay sợi dệt vải. Người con gái dân tộc Lự trước khi lấy chồng phải thành tạo việc thêu thùa, dệt vải để tự may đồ cho mọi người trong gia đình. Sản phẩm dệt của người Lự khá phong phú về chủng loại: Váy áo, khăn, túi... 

Một trong những nét đặc sắc của văn hoá truyền thống dân tộc Lự là bộ trang phục. Trang phục của người Lự vô cùng đặc sắc và được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ với những hoạ tiết hoa văn rất độc đáo. Đối với trang phục của người phụ nữ, họ mặc áo chàm xẻ ngực, vạt trái đè lên vạt phải và được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ. Ngày thường, phụ nữ Lự mặc váy chàm thêu móc đơn giản để thuận tiện trong công việc. Những dịp lễ tết, hội hè hoặc khi gia đình có khách quý, họ mặc váy 2 lớp với hoa văn 3 tầng trang trí đẹp mắt, phần trên được dệt với những họa tiết hình quả trám, phần dưới là vải chàm đen, phần gấu váy có điểm thêm màu khác rất đẹp mắt.

Cùng với trang phục là các loại trang sức. Giống như phụ nữ các dân tộc khác, phụ nữ dân tộc Lự cũng đeo trang sức là vòng cổ, vòng tay được làm từ bạc, nhôm hoặc đồng. Ngoài ra, còn có một loại vòng gọi là vòng vía được làm bằng các sợi chỉ chàm để đeo tay với ý nghĩa tránh gió, tránh những điều không may. Phụ nữ Lự cũng đeo hoa tai là các loại dạng ống, có sợi chỉ xiên qua để treo các chùm bông sặc sỡ. Chiếc khăn đội đầu cũng là vật không thể thiếu của người phụ nữ. Phụ nữ Lự thường đội khăn cuốn nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với những đường viền thêu hoa văn màu trắng, kẻ sọc. Trang phục của người phụ nữ kết hợp cùng đồ trang sức, khăn đầu sẽ càng làm tăng thêm vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm hay trẻ trung, xinh đẹp tuỳ theo lứa tuổi.

Khác với trang phục của phụ nữ, trang phục của nam giới đơn giản hơn với quần áo được nhuộm chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt áo. Trước đây, nam giới người Lự đội khăn đen gấp nếp cuốn nhiều vòng nhưng giờ đây họ ít khi đội khăn.

Ngoài sự độc đáo thể hiện trong trang phục, đồ trang sức, thì chiếc túi đeo do phụ nữ người Lự làm ra là một sản phẩm rất có giá trị cả về thẩm mĩ và giá trị truyền thống. Các loại túi này được làm với nhiều kích cỡ khác nhau và trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn, các nhúm bông với đủ các màu sắc rực rỡ.

Nếu như nghề dệt gắn liền với phụ nữ thì nam giới lại có thế mạnh riêng của mình trong các nghề thủ công như nghề mộc, đan lát và nghề rèn. Nghề mộc và các nghề thủ công khác trước đây của người Lự chủ yếu sản xuất theo hình thức tự cung tự cấp bởi phần lớn người đàn ông trong gia đình thường phải tự thực hiện từ dựng nhà, đến làm các trang thiết bị hay vật dụng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình mình. 

Phụ nữ dân tộc Lự sắp xếp trang phục dân tộc.

Như một cách để làm đẹp, người Lự có tục nhuộm răng đen. Trước đây, có quy định con gái từ 13 - 14 tuổi trở lên đều phải nhuộm răng đen với ý nghĩa là làm cho răng chắc và thể hiện được nét đẹp của người con gái. Chất liệu để nhuộm răng là một loại cây gỗ được gọi là “mạy chông cài” hay “mạy tỉu”. Việc nhuộm răng thường được thực hiện sau khi ăn cơm tối. Theo phong tục truyền thống trước kia đối với người Lự nếu người con gái nào không nhuộm răng đen, thì không phải là con gái người Lự, sẽ bị chê cười và nhất là sẽ kém duyên, những chàng trai người Lự sẽ không muốn lấy làm vợ. Tuy nhiên, theo thời gian, phong tục này ít tồn tại, hiện nay các cô gái Lự không còn nhuộm răng đen, chỉ còn lại ít phụ nữ lớn tuổi vẫn còn giữ thói quen này. 

Một nét độc đáo nữa phải kể đến là văn hoá văn nghệ. Có thể nói, dân ca của người Lự rất phong phú và đa dạng, được sáng tác trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất với nét riêng đặc trưng. Dân ca của người Lự được chia thành nhiều thể loại, ứng với từng hoàn cảnh cụ thể trong đời sống của họ như: Hát trong đám cưới, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đối đáp… Các làn điệu dân ca này như một động lực, một sức mạnh thúc đẩy sự phấn khởi trong lao động sản xuất và trong vui chơi giải trí. Nhạc cụ truyền thống của dân tộc Lự nhìn chung không nhiều, chỉ có trống, chiêng và sáo đôi (tiếng Lự là “Pí me lụ”, gồm: sáo mẹ “pí me” và sáo con “pí lụ”). Hiện nay, những nhạc cụ này đang bị mai một đi rất nhiều, cả nghệ nhân chế tác đến người sử dụng cũng ít đi. 

Người Lự cũng có tín ngưỡng thờ thần tự nhiên là thần Rừng. Lễ cúng rừng (còn gọi là Căn nung) được tổ chức vào tháng 3 và tháng 6 âm lịch hàng năm để cầu mong các vị thần linh che chở cho làng bản, nhà nhà được ấm no, mùa màng, vật nuôi phát triển tốt. Trong dịp lễ, tết, ngoài các nghi lễ ra, người Lự còn chơi các trò chơi truyền thống rất phong phú và đặc sắc như: Ném còn, đánh cầu lông gà, đánh khăng, chơi quay, hát giao duyên giữa thanh niên nam nữ…

Người Lự sống quây quần tập trung thành từng làng, bản. Họ ở nhà sàn, chỉ có 1 cầu thang lên xuống, hướng cầu thang lên nhà được làm từ phía sau nhà với mục đích tránh luồng gió độc và tránh tà ma vào nhà làm hại gia chủ. Với ẩm thực, người Lự sử dụng những thực phẩm sẵn có trong tự nhiên như: Cá suối, rêu đá, măng rừng, rau sắn, chuối rừng... Họ nổi tiếng với các món “xà sủm” (thịt nạc băm và các gia vị hấp chín), món ăn từ cá: “Pa pỉnh” (cá nướng), “Pa ép” (cá vùi tro); một số loại bánh được chế biến từ bột nếp, bột ngô mang những hương vị đặc trưng riêng. 

Với nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc, cấp uỷ, chính quyền các cấp cũng như người Lự tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo để góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

KA


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.228
Hôm qua : 8.295
Tháng 03 : 222.524
Năm 2024 : 653.359
Tổng số : 82.119.452