Đầu năm đi lễ hội Nịn Xin cầu may
![]() Lễ đón nước mới trong lễ hội Nịn Xin |
Năm nay là năm thứ 7 xã Sì Lở Lầu phục dựng và duy trì tổ chức lễ hội Nịn Xin. Ông Phàn Phủ Xiên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Lễ hội Nịn Xin là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Dao đỏ nơi đây. Lễ hội có nhiều lễ nhỏ trong đó như cầu xin để có nước sinh hoạt quanh năm, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở, ai ai cũng có sức khỏe, tục kéo vợ... Bởi vậy Lễ hội luôn mang một ý nghĩa tâm linh rất lớn với bà con. Năm 1979 lễ hội bị gián đoạn và không được tổ chức, cho đến năm 2010, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã hỗ trợ cùng UBND xã phục dựng lại và duy trì tổ chức vào ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm.
Khẳng định ý nghĩa tâm linh của Lễ hội với người dân của Bí thư xã quả thật không sai bởi trong cái lạnh dưới 10 độ nơi biên giới, sương mù giăng phủ ở tầm nhìn chưa đầy 10m nhưng đông đảo bà con đã có mặt để tham dự lễ hội, xem các tiết mục văn nghệ và tham gia các trò chơi truyền thống như ném vòng cổ vịt, bịt mắt bắt vịt, kéo co, bắn nỏ...
Năm nay đã ngoài 60 nhưng ông Phàn Diếu Tang vẫn mặc bộ quần áo dao truyền thống để ra trung tâm xã xem lễ hội. Ông vui vẻ cho biết: Hơn 30 năm lễ hội này mới được khôi phục nên tôi vui lắm. Năm nào xã tổ chức cũng cùng các con cháu ra xem, theo đoàn đi rước nước rồi xem họ ăn trộm để biết năm nay xã có may mắn không.
Trong Lễ hội Nịn Xin hấp dẫn nhất là Lễ đón nước (trip uân) và Lễ ăn trộm (Nịn xin). Với lễ đón nước, mỗi năm đoàn sẽ chọn một điểm đón nước khác nhau tại các bản để cầu may mắn cho bà con trong xã. Khi đi đón nước, đoàn đi sẽ thổi kèn, đánh trống, mang theo lễ vật (rượu, thịt, tiền giấy và nhang) và đi bộ từ trung tâm xã đến điểm đón nước đã được chọn. Đến nơi, thầy cúng (cũng là người gùi nước mới) sẽ sắp lễ, đốt nhang và khấn, lời khấn đại khái là: Thưa Thổ địa cai quản vùng đất, nguồn nước nơi đây. Hôm nay chúng tôi mang lễ đến đây xin đón nước trong năm mới về cho bà con trong xã dùng. Cầu xin Thổ địa, các vị thần phù hộ cho bà con cả năm luôn đủ nước dùng, mùa màng no đủ, cây cối sinh sôi nảy nở....
Sau khi khấn và đốt tiền giấy mang theo, một người trong đoàn sẽ làm sạch ống chứa nước và xin nước vào đầy ống mang theo. Thầy cúng lại gùi nước và cả đoàn quay về trụ sở xã. Nước được lấy về sẽ được đưa vào bể nước dùng chung của xã, một phần sẽ để lại để đun nước cúng đầu năm.
Chuẩn bị mâm cúng trong Lễ đón nước
Nếu Lễ đón nước được tổ chức vào sáng sớm thì Lễ ăn trộm lại được tái hiện lại vào lúc chiều tối. Gia đình được chọn để ăn trộm là những nhà có điều kiện kinh tế khá giả, có vườn trồng rau, hành, có thịt treo. Ăn trộm ở đây nghĩa là đi trộm cái may mắn của gia chủ để cầu cho 1 năm gia đình mình, bản mình, xã mình cũng được may mắn, cho nên ăn trộm không phải đi từng người mà có tổ chức thành đoàn. Trong đoàn họ chia một nhóm thổi kèn và đánh trống ngoài đường để đánh lạc hướng gia chủ; trong lúc nhóm thổi kèn, đánh trống thì người được cử ăn trộm sẽ lẻn vào nhà gia chủ cắt lấy một miếng thịt treo nhỏ trong bếp, sau đó luồn ra cửa sau đi vào vườn nhổ trộm cây hành. Theo tập quán của đồng bào Dao đỏ nơi đây thì hành là một cây may mắn nên khi ăn trộm nhất định phải trộm được cây hành, còn cắt một miếng thịt treo là để năm mới gia đình mình sẽ luôn no đủ. Nếu vào trộm mà gia chủ không phát hiện ra thì năm đó gia đình người trộm sẽ luôn gặp may mắn, làm ăn phát tài, sung túc. Còn nếu để gia chủ phát hiện ra thì sẽ bị phạt uống rượu tại nhà gia chủ.
Đồng bào dân tộc Dao đỏ cũng có tục kéo vợ những ngày đầu xuân tuy nhiên tục này cũng đã được bà con bỏ từ nhiều năm nay. Trong lễ hội, tục kéo vợ cũng được dựng lại để coi đó như một nét văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa.
Phục dựng tục kéo vợ trong Lễ hội Nịn Xin
Lễ hội Nịn Xin dịp đầu năm mới của người Dao Ðỏ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục con cháu phải biết bảo vệ gìn giữ nguồn nước, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường để cuộc sống được ấm no hạnh phúc, cầu may mắn, bình an, hạnh phúc cho gia đình, bản làng. Được khôi phục và duy trì tổ chức đều đặn vào ngày 14 - 15 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội Nịn Xin là một trong những lễ hội thu hút du khách dịp đầu năm mới. Đến Sì Lở Lầu vào dịp này, ngoài tham gia lễ hội, du khách có thể đi chợ phiên được họp vào những ngày con có sừng (trâu, ngựa, dê) trong tháng, thăm những cánh rừng nguyên sinh và những vườn đào bung hoa khoe sắc, mặc trang phục truyền thống và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của đồng bào nơi đây.
Nguyễn Chanh