Gạo dâu - đặc sản vùng biên cương
|
Do điều kiện canh tác: Chất đất, khí trời và gió núi đã tạo nên hương vị đặc trưng của loại gạo này. Đi làm về ăn bát cơm thơm, dẻo nấu từ gạo dâu như quên hết mọi mệt sau những giờ làm việc vất vả. Cơm gạo dâu, thích hợp với cả người thích chan canh hoặc ăn khô, đặc biệt cơm để nguội vẫn mềm, dẻo. Bữa sáng của nhiều người Lai Châu là bát cơm nguội gạo dâu với một ít đồ ăn mặn. Mỗi người con của vùng đất biên cương khi đi xa nhớ về quê hương trong đó có cả nỗi nhớ bát cơm gạo dâu đầu mùa.
Gạo dâu là giống lúa địa phương tên đầy đủ là tẻ dâu. Nhiều người quen gọi tắt là lúa dâu, gạo dâu. Cùng với các loại gạo ngon khác, gạo dâu được người tiêu dùng ưa chuộng tuy nhiên người mua cũng khá kỹ tính gạo dâu không được để lẫn các loại gạo khác. Một số gia đình ở thị xã đã cẩn thận chọn mua thóc gạo dâu để dùng cho cả năm.
Chị Phan Thị Huệ ở phường Tân Phong, thị xã Lai Châu đã quen ăn gạo dâu, chị đặt mua thóc ở xã Tả Lèng huyện Tam Đường ngay từ đầu vụ. Mỗi vụ chị mua khoảng 2 tấn, mở bao thóc màu vàng sẫm cất vẫn còn thơm mùi nắng, gió chị cho biết: Gạo ngon, gạo đặc sản hầu như địa phương nào cũng có nhưng gạo dâu Lai Châu có vị ngon riêng. Chị mua với số lượng nhiều vừa để ăn quanh năm vừa gửi về đi làm quà.
Anh Thân Văn Thành chủ một cửa hàng gạo ở thị xã cho biết: Người dân ngày càng thích ăn gạo dâu, số lượng bán ra của cửa hàng anh gấp nhiều lần so với trước đây. Khách hàng mua gạo dâu đa phần đã ăn quen loại gạo này. Trên địa bàn thị xã có nhiều gia đình chỉ ăn gạo dâu. Để không mua phải gạo pha trộn các hộ đã đặt mua thóc ngay tại ruộng khi đến mùa thu hoạch. Có gia đình mua nhiều, có gia đình mua ít tùy theo điều kiện kinh tế và nhu cầu tiêu dùng. Nhiều du khách đến Lai Châu tham quan ăn gạo dâu ngon đã mua về dùng và rồi thường xuyên gọi điện đặt mua, cửa hàng đóng gói gửi tận nơi.
Khách hàng mua gạo dâu tại cửa hàng nhà anh Thành.
Giá thành gạo dâu cao hơn các loại gạo khác, nên bà con nông dân ngày càng giành nhiều diện tích cho gieo cấy giống lúa này. Một số nơi đã hình thành vùng chuyên canh lúa dâu như Tả Lèng, Thèn Sin, Hồ Thầu của huyện Tam Đường. Do đặc điểm sinh trưởng, cùng với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu… gạo dâu ngon nhất khi được gieo trồng ở những chân ruộng vùng cao. Nếu đem lúa dâu cấy ở chân ruộng thấp như cánh đồng Bình Lư chất lượng gạo sẽ không ngon bàng.
Giống lúa dâu thời gian sinh trưởng và phát triển 5 tháng. Khi gieo cấy và thu hoạch phải đúng thời vụ, cấy sớm quá hoặc quá muộn đều ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Khung lịch thời vụ tốt nhất để gieo cấy lúa dâu là trong tháng 5, tháng 9 sẽ cho thu hoạch. Lúa dâu cho năng suất không cao bằng các giống khác song giá thành sản phẩm lại cao hơn nên đem lại thu nhập nhiều hơn trên một đơn vị diện tích. 1kg thóc giá 15.000 nghìn đồng, 1kg gạo dao động từ 22.000-25.000 nghìn đồng. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ giống lúa đặc sản này.
Tuy nhiên, hiện nay gạo dâu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và chưa có sản lượng lớn đủ để trở thành hàng hóa xuất ra ngoài tỉnh. Gạo dâu được nhiều người trong nước biết đến chủ yếu là do người Lai Châu mang đi làm quà hoặc khách du lịch mua mang về.
Ông Hà Văn Um, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Gạo dâu là đặc sản của Lai Châu nhưng chưa thể trở thành hàng hóa. Do tập quán canh tác của người dân vẫn mang tính tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu, chưa quen với sản xuất hàng hóa, khi gieo cấy chủ yếu là để gia đình dùng thừa mới đem bán. Năm được giá, năm giảm giá thêm vào đó năng suất lúa dâu không cao nếu không được bao tiêu sản phẩm với giá thành ổn định, khi gieo cấy với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Hiện gạo dâu chủ yếu vẫn tiêu thụ nội tỉnh. Muốn hình thành vùng sản xuất lúa dâu với quy mô lớn phải có thị trường tiêu thụ.
Cùng với thảo quả, miến dong Tam Đường… gạo dâu là một trong những đặc sản của vùng biên cương. Để gạo dâu trở thành thương hiệu, thành sản phẩm hàng hóa trong tương lai của Lai Châu cần có sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và cấp ủy chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Nhìn những ruộng bậc thang lúa dâu xanh mướt đang trổ bông dập dờn theo gió, chúng tôi tin rằng trong một ngày gần đây, đặc sản gạo dâu Lai Châu sẽ vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh.
Nghiêm Anh