• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

(laichau.gov.vn)
Lai Châu là tỉnh miền núi có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống với hơn 86% là người dân tộc thiểu số đã tạo nên một kho tàng đồ sộ về văn hóa vật thể và phi vật thể như hát Then, các điệu xòe, lễ hội Then Kin Pang, lễ hội Nàng Han, lễ hội Gầu Tào, lễ Cấp sắc… Lai Châu còn là vùng đất cổ có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 21 di tích đã được xếp hạng. Đây chính là những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền, do vậy công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là một trong những việc làm cần thiết trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Lễ hội Tú Tỉ xã San Thàng, thành phố Lai Châu được tổ chức hàng năm vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm (Ảnh Đinh Lan)

Xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những năm qua Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh công tác thống kê, kiểm kê, sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học các giá trị văn hoá truyền thống; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội tiêu biểu; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, chọn lọc những di sản văn hóa phi vật thể có giá trị để lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống, các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc cũng đã được bảo tồn và phát huy có hiệu quả; hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ, nhà văn hóa cộng đồng, phong trào thể dục thể thao trong Nhân dân các dân tộc…được duy trì và phát triển, đã trở thành phong trào rộng khắp có sức lan tỏa trong cộng đồng Nhân dân các dân tộc Lai Châu.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn; sưu tầm, nghiên cứu hiện vật, tiến tới xây dựng Bảo tàng tổng hợp tỉnh; các buổi liên hoan, giao lưu văn hoá - nghệ thuật truyền thống, cuộc thi tìm hiểu và hát dân ca, trình diễn trang phục truyền thống; các lễ hội tiêu biểu đại diện cho từng vùng, miền và dàn dựng, biểu diễn các điệu hát - múa đặc sắc, tiêu biểu cho các dân tộc cũng đã được tổ chức... nhằm tạo cơ hội cho các loại hình văn hóa vật thể và di vật thể được nhân rộng và lưu truyền trong Nhân dân, nhất là trong đồng bào các dân tộc. Qua đó, các giá trị truyền thống được bảo tồn và phát huy, Nhân dân trong và ngoài tỉnh biết nhiều hơn và quan tâm hơn đến truyền thống văn hoá đặc sắc và đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chung của xã hội, sự giao lưu kinh tế, văn hóa trong sinh hoạt đời sống giữa các dân tộc đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Một số nét bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc như trang phục, nếp sống văn hoá - văn nghệ dân gian, phong tục tập quán... đang bị pha tạp và dần bị mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hàng ngày bị thất truyền. Công tác trùng tu, quản lý và phát huy giá trị các di tích, sưu tầm hiện vật chưa được quan tâm đúng mức; lực lượng cán bộ làm công tác sáng tác, nghiên cứu khoa học còn thiếu; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ hoạt động văn hoá chưa đầy đủ… Mặt khác, nhận thức và hiểu biết về chính sách, pháp luật; tập quán sinh sống, phương thức sản xuất của đồng bào còn hạn chế. Bên cạnh đó, đồng bào dễ bị kích động, lôi kéo, lợi dụng, dễ từ bỏ các phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, làm mất đi bản sắc văn hoá dân tộc…

Ông Sùng A Hồ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của Nhân dân các dân tộc Lai Châu, Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục đề ra các giải pháp như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tích cực. Coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hoá của các dân tộc,  khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; luôn tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian... Khuyến khích việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu và ứng dụng các tri thức về y, dược học cổ truyền; khôi phục và nâng cao các lễ hội truyền thống, bài trừ hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đời sống văn hóa của Nhân dân; chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và các hoạt động lễ hội; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống. Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của Nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới; giữ gìn truyền thống văn hoá trong gia đình, trong làng, bản, khu phố tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội...

Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; cân đối phân bổ ngân sách đảm bảo cho thực hiện các dự án; có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hoá, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hoá và văn nghệ sĩ các dân tộc trong tỉnh; lồng ghép các chương trình đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hoá để nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho đồng bào các dân tộc. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, các cấp, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và Nhân dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa.

Hy vọng với những giải pháp mà Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc xây dựng văn hóa và con người Lai Châu sẽ đạt được những kết quả tích cực; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh.

 

Đức Kiên


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.040
Hôm qua : 5.190
Tháng 05 : 11.759
Năm 2025 : 760.548
Tổng số : 84.717.481