• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Người nhạc sĩ dân tộc Thái

(laichau.gov.vn)
Là một chàng trai dân tộc Thái chính gốc, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhạc sĩ Vương Khon “vô tình” bén duyên với âm nhạc. Sống trong cái nôi văn hóa dân tộc Thái, đó là nền để cho ông sáng tác các ca khúc mang đậm âm hưởng dân tộc Thái.         

Nhạc sĩ Vương Khon luôn trân trọng các nhạc cụ dân tộc.

Sống trong cái nôi âm nhạc

Mường So, Phong Thổ là nơi người Thái Trắng định cư từ lâu đời, nơi đây có rất nhiều làn điệu dân ca như điệu Sai Panh, hát Khắp Nôm, điệu hát của nàng Sao Sên, hát Then… Từ nhỏ đã được nghe các điệu hát này, đi lên rừng lấy củi, làm nương, rẫy, ra suối bắt cá ông cũng được nghe các anh, chị hát dao duyên, hát đối đáp cùng nhau. Ông tâm sự: Ngày đó, ở bất kỳ hoạt động nào có nam và nữ đều có hát đối cùng nhau. Hai bên xuất khẩu thành thơ, tạo nên không khí vui tươi phấn khởi trong lao động sản xuất. Được sống trong không gian đậm chất nhạc nhất là vào các dịp Lễ, Tết, Hội hè..., các chất liệu âm nhạc dân tộc Thái cứ ngấm dần vào máu từ lúc nào mà chính ông cũng không biết.

Trong các làn điệu dân ca của dân tộc Thái, ông ấn tượng nhất đối với điệu hát của nàng Sao Sên. Đây là điệu hát dành cho các cô gái đi làm dâu. Nội dung của bài hát nói về nàng Pó Cọt xinh đẹp đi làm dâu nhà người. Khi yêu nhau chàng trai hứa hẹn 9 yêu, 10 yêu. Về nhà anh làm dâu, bố mẹ anh cũng sẽ thương mến em. Nhưng thực tế khi về nhà chồng, người chồng đã cùng với bố mẹ mình hành hạ nàng Pó Cọt. Cô phải làm lụng vất vả, ăn cũng không được no vì thế cho lợn ăn dưới gầm sàn thậm chí cô phải ăn cám lợn cho đỡ đói. Khi lên rừng lấy rau, lấy củi về cô đều bị chê là lấy được ít. Bài hát về câu chuyện nàng Pó Cọt tha thiết, ai oán được truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Qua đó chuyển tải nội dung phê phán chế độ phong kiến, làm dâu trong những gia đình giàu có nhưng các cô gái không được sung sướng. Sau này từ điệu hát của nàng Sao Sên ông đã sáng tác bài hát truyện tình nàng Sao Sên, em từ mùa ban nở…

Duyên đến với nghệ thuật

Ngày nhỏ ông cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo con đường nghệ thuật và trở thành nhạc sĩ nhưng cái duyên đã đưa ông đến với nghề. Năm 1966, có đoàn văn công về địa phương để tuyển sinh, ông đã mạnh dạn đến tham gia. Ông chia sẻ: Trước đó, tôi cũng không biết hát, không biết gì về âm nhạc, ban tuyển sinh cho tôi nghe các nốt nhạc và bảo tôi mô phỏng theo. Nghe xong, người ta cho rằng tôi có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc và cho tôi đi học violin (vĩ cầm) ở trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật khu Tây Bắc. Sau khi học xong tôi làm nhạc công đánh đàn và làm chỉ huy dàn nhạc tỉnh Sơn La.

Tưởng rằng suốt cuộc đời chỉ là người nhạc công nhưng một dấu mốc quan trọng đã đưa ông sang một trang mới. Năm 1982, ông chuyển về Lai Châu công tác. Sau bao nhiêu năm đi công tác xa, khi được trở về quê nhà thấy quê hương đã thay đổi, ông đã tức cảnh sinh tình và cho ra đời nhạc phẩm đầu tay là bài hát “Lai Châu quê hương màu xanh” ca ngợi quê hương đẹp tươi. Đó là động lực để ông viết các ca khúc tiếp theo.

Năm 1984, để chuyên sâu về sáng tác, ông đã đi học lớp sáng tác âm nhạc. Là nhạc công phối khí, cộng với việc “hấp thụ” nền âm nhạc đa dạng, phong phú của dân tộc Thái đã làm nền tảng để ông sáng tác các ca khúc và mang đậm bản sắc âm hưởng dân ca Thái. Từ khi đi vào con đường sáng tác, lúc nào trong ông cũng canh cánh những nốt nhạc. Để có tác phẩm hay ông luôn có sự sáng tạo riêng, tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với các sáng tác của mình. Ông đã viết khoảng 500 nhạc phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm lấy cảm hướng từ chất liệu dân ca hoặc mang âm hưởng âm nhạc Thái như: Tiếng tính đưa em về bến xưa, Dòng sông điệu khắp, tâm tình khăn piêu…

Những ngày hội mùa xuân, hoa ban Tây Bắc nở trắng rừng, mọi người cùng nghe nhạc phẩm điệu xòe thương nhau của ông và tay trong tay múa xòe. Lời bài hát như thôi thúc mọi người đến miền Tây Bắc để: “Đêm nay với điệu xoè/ Rộn ràng trong tiếng hát/ Trao nhau giữa vòng xoè/ Nụ cười và ánh mắt/ Thương nhau nắm tay nhau/ Để lòng thôi không nói/ Ngân lên khúc nhạc xoè/ Tưng bừng như suối hát”./.

 

Kim Anh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.928
Hôm qua : 6.525
Tháng 05 : 52.622
Năm 2025 : 801.411
Tổng số : 84.758.344