A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử

(laichau.gov.vn)

Bảo tàng tỉnh Lai Châu hiện nay không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa của các dân tộc trong tỉnh, mà còn là địa điểm để mọi người đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử của các dân tộc cũng như sự hình thành và phát triển của tỉnh nhà.

Đồng chí Vàng Ngọc Du - Quyền Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, tính đến hết năm 2019, Bảo tàng tỉnh có trên 31.000 hiện vật về lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong đó có những hiện vật giá trị như cái chày đập vải TaBa và nhiều hiện vật bằng đá, đồng có niên đại từ 3.000 - 4.000 năm. Đặc biệt, có một phiên bản bảo vật quốc gia Bia Lê Lợi đã được phiên âm từ chữ hán và dịch nghĩa đang được trưng bày tại nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh, để du khách thập phương nếu chưa có cơ hội đến thăm Bia Lê Lợi gốc (đang được đặt tại khuôn viên Đền thờ Vua Lê Thái Tổ ở xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn) thì có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu tại đây.

Được biết, nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh hiện có diện tích 200m2, hệ thống trưng bày hiện vật được chia thành 5 nội dung: Trưng bày về lịch sử tự nhiên và con người Lai Châu; văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu (được chia làm 3 vùng văn hóa: vùng rẻo thấp, vùng rẻo giữa, vùng rẻo cao); trưng bày Bảo vật quốc gia Bia Lê Lợi; hình ảnh các danh lam thắng cảnh, di tích lịch - sử văn hóa, tiềm năng thế mạnh của tỉnh và trưng bày các thành tựu về kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục lịch sử tỉnh. Qua đó, đã từng bước đáp ứng nhu cầu tuyên truyền giới thiệu, giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử của các dân tộc trên địa bàn.

Du khách đến tham quan, tìm hiểu tại nhà trưng bày, Bảo tàng tỉnh.
Thanh thiếu niên tham quan, tìm hiểu tại nhà trưng bày, Bảo tàng tỉnh.

Chị Khoàng Thị Tiệp (ở thôn 41, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) sau khi được tham quan tại nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh chia sẻ: “Được nhìn thấy những hiện vật bằng đá, đồng, những đồ dùng sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của các dân tộc trên mảnh đất Lai Châu trong quá trình khai hoang, lập bản đến đấu tranh giành độc lập của dân tộc, tôi thấy rất xúc động và tự hào. Có đến đây thì mới biết Lai Châu là địa bàn có con người cư trú từ rất sớm và tôi rất ấn tượng với các di chỉ khảo cổ học ở vùng ngập lòng hồ các Thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy công cụ lao động của người tiền sử thời kỳ đồ đá thuộc Văn hóa Hòa Bình, cách ngày nay khoảng 12.000 năm. Các công cụ chủ yếu là ghè, đẽo đều làm bằng đá cuội thành những lát mỏng để tạo ra các công cụ sắc bén. Với những công cụ đồ đá đó, người tiền sử có thể chặt cây, vót gậy tre, lao gỗ, xẻ thịt thú săn bắt được. Thế mới biết, tổ tiên mình trước đây cũng rất giỏi trong sáng tạo. Qua đó, giúp thế hệ trẻ chúng tôi thêm trân trọng cuộc sống hiện tại, tiếp tục rèn luyện bản thân để góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu, mạnh”.

Sau khi chia tách và được thành lập năm 2005, với chức năng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của quần chúng Nhân dân. Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Hàng năm đã sưu tầm, phát hiện, bảo quản, trưng bày, giới thiệu hàng nghìn các hiện vật về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc truyền tải kiến thức về lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh cho du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu.

Bà Nguyễn Thị Nhung - du khách đến từ tỉnh Nam Định, người có sở thích tìm hiểu văn hóa các vùng miền tâm sự: “Sau khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian đi du lịch đó đây, tìm hiểu các văn hóa vùng miền. Qua thông tin đại chúng, tôi biết Lai Châu nhiều ngày qua không ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm Covid-19 và các xe khách chạy liên tỉnh đã được hoạt động trong phạm vi cho phép, tôi quyết định lên Lai Châu du lịch. Đến đây, tôi thấy khí hậu trong lành, con người Lai Châu thân thiện, mến khách. Đặc biệt vào thăm nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh, tôi được cung cấp nhiều thông tin quý báu về cuộc sống, văn hóa của con người Lai Châu và tôi rất ấn tượng về văn hóa của 20 dân tộc nơi đây, nhất là văn hóa của người dao. Họ không chỉ giỏi làm nghề thuốc nam mà họ còn sử dụng chữ Nôm Dao để lưu giữ gia phả, các bài cúng và văn học dân gian. Nam giới người dao đến tuổi trưởng thành phải trải qua một nghi lễ rất đặc biệt đó lễ trưởng thành, tôi thấy rất thích thú, nhất định tôi sẽ quay lại Lai Châu để được tham dự nghi lễ này”.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm Bảo tàng tỉnh thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu. Chỉ tính riêng năm 2019, đã đón tiếp 18.400 lượt khách (tăng 3.400 lượt so với năm 2018) trong và ngoài tỉnh, khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại địa phương. Tuy nhiên, để Bảo tàng tỉnh hoạt động tốt hơn nữa. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng kho bảo quản hiện vật đủ diện tích, các trang thiết bị hiện đại và xây dựng phòng xử lý hóa chất; bổ sung kinh phí để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa truyền thống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Cập nhật ngày 31/5/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 492
Hôm qua : 5.242
Tháng 11 : 124.224
Năm 2024 : 2.277.128
Tổng số : 83.743.221