Tam Đường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
Với 12 dân tộc cùng sinh sống, những năm qua, huyện Tam Đường nỗ lực giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương phát triển.
Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã khôi phục, lưu giữ nét văn hóa dân tộc thông qua việc tổ chức, phục dựng các lễ hội truyền thống như: Tủ Cải (dân tộc Dao, xã Hồ Thầu), Té nước (dân tộc Lào, xã Nà Tăm), Xòe chiêng (dân tộc Thái, xã Bình Lư), cúng rừng và cúng trâu (dân tộc Lự, xã Bản Hon). Đồng thời, chỉ đạo xã, thị trấn thành lập các đội văn nghệ bản nhằm bảo tồn, khôi phục những câu hát giao duyên, tiếng khèn, đàn môi và làn điệu dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chú trọng nghiên cứu, khai thác, bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc. Từ đó, huyện đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận di tích văn hóa, làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con tích cực bảo vệ giá trị thiên nhiên, cảnh quan, di tích lịch sử gắn với bản sắc dân tộc. Thông qua công tác tuyên truyền, huyện thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm phong tục tập quán; mua sắm sản phẩm (váy, áo, túi thổ cầm của các dân tộc), góp phần bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống; thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển, đem lại thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.
Đơn cử, xã Khun Há (huyện Tam Đường) là địa phương chủ yếu dân tộc Mông sinh sống (chiếm 96,3%). Đến với Khun Há, du khách được khám phá một số trò chơi dân gian, điệu múa, câu hát và các món ăn ngon, độc đáo. Người Mông nơi đây lưu giữ và bảo tồn nét đẹp truyền thống thông qua đời sống hoạt động hàng ngày như: thêu, may trang phục. Ngoài giờ lao động sản xuất, phụ nữ Mông dành nhiều thời gian thêu, may tạo ra những bộ trang phục, chăn, ga, gối với họa tiết, hoa văn sặc sỡ, gần gũi với đời sống thường nhật của bà con. Anh Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há cho biết: “Với 2 dân tộc Mông, Thái sinh sống, xã Khun Há phát huy vai trò già làng, trưởng bản truyền dạy cho thế hệ trẻ gìn giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc thông qua trang phục, làn điệu dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian. Dịp lễ, tết, hàng năm, xã tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo bà con tham gia múa khèn, đẩy gậy, bắn nỏ và chơi tù lu. Từ đó, xã xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ nêu cao tinh thần giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc. Đây là món ăn tinh thần độc đáo của Nhân dân sau ngày lao động mệt nhọc, góp phần tạo nên giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc”.
Hay như, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp với bản sắc văn hóa dân tộc Dao đặc sắc. Toàn xã có 88,2% dân tộc Dao sinh sống. Từ tháng giêng đến tháng 3 (âm lịch) hàng năm, gia đình có con trai ở độ tuổi từ 12 trở lên lại náo nức tổ chức Lễ “Tủ cải”. Đây là nghi lễ tín ngưỡng dân gian truyền thống, có ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với đời sống bà con nơi đây. “Tủ” dịch ra tiếng phổ thông là báo cáo, “Cải” là đặt tên. Vì vậy, “Tủ cải” là lễ báo cáo với thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ 2 (tên âm) cho người con trai khi đã trưởng thành để “giao tiếp” với tổ tiên. Lễ “Tủ cải” diễn ra trong 3 ngày. Gia đình có con thụ lễ chuẩn bị lễ vật và trang phục gồm: áo dài gấm đỏ, mũ, giầy theo đúng bản sắc dân tộc Dao; 1 con lợn, 15 con gà, 30kg gạo nếp, tẻ và 20 lít rượu. Buổi lễ diễn ra nhiều bài khấn khác nhau như: nhập tổ tiên, báo cáo thần linh, xin tổ tiên cho gia đình được thụ lễ, đặt tên âm và giáo dục người thụ lễ không: nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp, mắng chửi bố, mẹ. Đây là nghi lễ độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách hiếu kỳ. Theo một số người cao tuổi ở bản Chù Lìn (xã Hồ Thầu) thì bà con còn lồng ghép phần lễ xen lẫn phần hội nhằm tạo không khí linh thiêng, ấm áp tình người. Người thụ lễ, mời rượu, cảm tạ sự quan tâm của du khách đến dự Lễ “Tủ cải”. Hiện nay, chính quyền xã luôn quan tâm hỗ trợ kinh phí tổ chức Lễ “Tủ cải” với quy mô lớn để bà con và du khách được thưởng thức nét đẹp văn hóa dân tộc Dao.
Anh Lù Văn Trân - Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường cho biết: “Thời gian gần đây, Phòng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự (xã Bản Hon). Mỗi khi tết đến, xuân về, Phòng phối hợp với xã Bình Lư tổ chức hội xòe chiêng (dân tộc Thái) thu hút đông đảo du khách. Ngoài ra, các xã còn thành lập đội văn nghệ truyền thống, vừa tham gia múa, hát vừa có nhiệm vụ truyền dạy cho thế hệ trẻ làn điệu múa, hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”.
Nhờ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống tinh thần người dân trên địa bàn huyện Tam Đường được nâng lên, góp phần đẩy mạnh lao động sản xuất, tăng thu nhập gia đình. Đây là tiền đề để bà con xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Cập nhật ngày 27/5/2020