Ưu tiên dùng hàng Việt
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động), người dân Lai Châu đã hình thành thói quen ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là các sản phẩm do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân địa phương cung ứng. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng Việt trên địa bàn.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân, cuộc vận động đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển thị trường hàng nội địa; tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất đến người tiêu dùng. Hàng hóa có chất lượng cao từ nhiều khu vực, vùng miền trong cả nước được đưa đến tay người tiêu dùng trong tỉnh và ngược lại; hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương cũng đã vươn tới hệ thống siêu thị lớn, thị trường các tỉnh miền xuôi.
Đến thời điểm này, hệ thống phân phối và mạng lưới bán lẻ hàng Việt Nam tại Lai Châu phát triển theo hướng hiện đại, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Từ đó tăng doanh thu, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức 65 - 80%; tại các điểm bán hàng nhỏ lẻ tuyến huyện mức độ hàng hóa nội địa luôn chiếm trên 80%... Đây là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Ông Lê Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đã gắn phát triển thị trường hàng tiêu dùng trong tỉnh với cuộc vận động. Đây cũng là giải pháp giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng bền vững. Trong năm 2022, nền kinh tế của Lai Châu có chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp đạt trên 6.700 tỷ đồng, vượt 3,3% kế hoạch năm, tăng 14,7% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 37,19 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 7.624,6 tỷ đồng, vượt 1,5% kế hoạch năm, tăng 12,6% so với năm 2021. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều sự kiện xúc tiến thương mại đáp ứng nhu cầu mua sắm; là kênh quảng bá các sản phẩm đặc hữu, chất lượng cao của địa phương đến người tiêu dùng.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp là trọng điểm của nền kinh tế Lai Châu. Do đó, trên thị trường hiện đa dạng các sản phẩm: rau củ quả, thực phẩm tươi sống, đồ thủ công mỹ nghệ... với chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Việc sử dụng hàng Việt cũng kéo theo các hoạt động liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, tìm đầu ra giữa các dân tộc trong cùng địa phương và với địa phương khác. Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng như: nhu yếu phẩm, hóa chất, đồ gia dụng, hàng may mặc của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đây là xu hướng mới thể hiện ý thức cộng đồng và lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam nói chung và nhân dân Lai Châu nói riêng.
Ông Đào Huy Cương - Chủ cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Huy Cương (thành phố Lai Châu) chia sẻ: Ngoài đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản xuất đa dạng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, cơ sở tích cực đăng ký tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại của tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, tăng độ nhận diện thương hiệu cho tỉnh và thiết thực hưởng ứng cuộc vận động.
Đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức và tiếp nhận theo dõi thực hiện hơn 50 đợt bán hàng Việt về nông thôn với khoảng 1.000 lượt doanh nghiệp tham gia; thu hút hàng nghìn lượt người tới tham quan, mua sắm; doanh thu bán hàng đạt trên 1 tỷ đồng/đợt. Chị Trịnh Kiều Oanh ở tổ dân phố số 2 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) cho biết: “3 năm trở lại đây, gia đình tôi chủ yếu sử dụng sản phẩm của Việt Nam sản xuất bởi chất lượng ngày càng nâng cao, mẫu mã cải tiến, giá thành phù hợp với thu nhập. Mặt khác cũng để giáo dục các con tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam”.
Trong thời gian tới, các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ tiếp tục được tỉnh chú trọng triển khai. Đó không chỉ tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động mà còn tổ chức nhiều hơn những chuyến xe, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam tại các xã, thị trấn để bà con tiếp cận, sử dụng hàng Việt thuận lợi nhất.
Cập nhật ngày 23/10/2023