Tăng cường các biện pháp phòng chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Lai Châu bắt giữ các đối tượng mua bán người qua biên giới. Ảnh: Hoàng Anh |
Từ năm 2016 đến nay, tình hình hoạt động của các loại tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp nhất là trên tuyến biên giới. Với những điều kiện khó khăn của tỉnh miền núi biên giới, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các loại tội phạm đã lợi dụng những hạn chế này, sử dụng phương thức, thủ đoạn chủ yếu đó là lợi dụng lòng tin của phụ nữ, trẻ em để lừa gạt bán sang Trung Quốc và lợi dụng hoạt động giao lưu, buôn bán, thăm thân để móc nối với các đối tượng người Trung Quốc hình thành đường dây mua bán người.
Nguyên nhân sâu xa của việc phụ nữ vùng đồng bào dân tộc dễ bị các đối tượng lợi dụng là cuộc sống gia đình khó khăn và một bộ phận người dân lười lao động nhưng muốn có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Do đó, các đối tượng phạm tội đã lợi dụng tình trạng này để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng lợi dụng lòng tin và mối quan hệ quen biết dụ dỗ nạn nhân đến khu vực biên giới rồi tách ra cho nạn nhân đi lẻ theo đường tiểu ngạch, còn đối tượng gây án đi đường cửa khẩu bằng giấy thông hành, nên rất khó khăn cho công tác điều tra bắt giữ, đấu tranh của các cơ quan chức năng đối với loại tội phạm này.
Đặc biệt, loại tội phạm này hoạt động trên phạm vi rất rộng, đối tượng, địa bàn có liên quan đến nhiều tỉnh. Phương thức, thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi, xảo quyệt. Nếu như trước đây tội phạm thường trực tiếp di chuyển vào từng bản làng để tìm hiểu, thực hiện hành vi phạm tội thì thời gian gần đây chúng lợi dụng các mối quan hệ để cấu kết, móc nối chặt chẽ với nhau tạo thành đường dây khép kín. Theo đó, mỗi đối tượng phụ trách một công đoạn nhất định và chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại di động. Trước khi đưa nạn nhân qua biên giới, chúng dặn dò cẩn thận và thống nhất về lý do qua biên giới để thăm thân, mua sắm hàng hóa, làm thuê… nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Đồng thời, quản lý chặt chẽ về tiền bạc, điện thoại, các đối tượng đặt tên giả, địa chỉ giả, bắt nạn nhân giao dịch bằng tên, địa chỉ giả… Đây chính là thách thức lớn gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, truy bắt tội phạm, tìm kiếm, giải cứu nạn nhân. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng có chiều hướng diễn biến phức tạp…
Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm mua bán người nhất là trên tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh đẩy mạnh công tác khảo sát nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, những đối tượng là chủ mưu, cầm đầu đường dây tội phạm, số đối tượng có tiền án, tiền sự về tội danh mua bán người để phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn; chú trọng khu vực các xã biên giới, địa bàn trọng điểm, các cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ bình dân... Phối hợp với các ban ngành chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa xã hội nhằm giải quyết các nguy cơ không để phát sinh tội phạm mua bán người; phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng Nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm và răn đe phòng ngừa tội phạm.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an tỉnh sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ điều tra, khám phá các chuyên án, vụ án mua bán người, triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh, trọng tâm là tuyến biên giới Việt – Trung. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp trao đổi thông tin, duy trì giao ban gặp gỡ, hội đàm nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận hồi hương nạn nhân bị mua bán trở về.
Với các biện pháp quyết liệt, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp bắt giữ, xử lý 6 vụ với 12 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 6 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Trong đó, chủ yếu nạn nhân là phụ nữ. Điển hình như thực hiện Kế hoạch đấu tranh chuyên án 566T, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo lực lượng đánh án thu thập, xác minh củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các đối tượng. Hồi 8 giờ 05 phút ngày 23/2/2017, Đồn Dào San đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Phàn Vần Phú (SN 1989) trú tại bản Lùng Than, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ về hành vi mua bán người, giải cứu 2 nạn nhân là Lý Thị Vang (SN1991) và Lý Thị Cầu (SN 1990) cùng trú tại bản Tả Chơi, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Thượng tá Lê Văn Hòa, Phó Trưởng Phòng Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh) cho biết: Nhằm ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm mua bán người, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao ý thức của người dân, giúp họ chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống, tố giác tội phạm. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh có hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán người. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người; làm tốt công tác vận động quần chúng Nhân dân tham gia tố giác tội phạm… xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. Đồng thời, tăng cường công tác hợp tác quốc tế với nước láng giềng trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và giải cứu nạn nhân... Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ các nạn nhân xóa đi mặc cảm, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đặc biệt, cấp ủy chính quyền địa phương cần tuyên truyền Nhân dân tích cực lao động phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ chính mình và người thân.
Nguyễn Nga