• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại thắng mùa Xuân 1975 - bài học xây dựng quyết tâm chiến lược trong tình hình mới

(laichau.gov.vn)

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một dấu son chói lọi, một trong những sự kiện quan trọng, có tầm vóc và ý nghĩa to lớn trong lịch sử thế giới thế kỷ 20; đồng thời để lại nhiều bài học vô cùng quý báu đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó có bài học về xây dựng quyết tâm chiến lược.

Kiên trì mục tiêu chiến lược, xác định và vận dụng linh hoạt phương thức đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mục tiêu chiến lược là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Để thực hiện mục tiêu đó, Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ, phương thức tiến hành đấu tranh phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết định, trước những điều kiện và thời cơ mới, Trung ương Đảng khẳng định: Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kỳ trong tình hình nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công. Trên cơ sở đó, đầu năm 1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất”. Thực hiện chủ trương đó, quân và dân ta đã liên tục tiến công, giành thắng lợi quyết định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kiên trì thực hiện mục tiêu chiến lược, sau ngày đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, củng cố quốc phòng, an ninh, ổn định và phát triển đất nước. Tại Đại hội lần thứ VI, Đảng ta nêu rõ: Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế-xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN... Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại... tạo động lực, quyết tâm mới cho sự phát triển của đất nước trong thế kỷ 21.

Đó là sự nối tiếp của khát vọng thống nhất Tổ quốc từ Đại thắng mùa Xuân 1975; là ý chí, văn hóa con người Việt Nam, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đại thắng mùa Xuân 1975 - bài học xây dựng quyết tâm chiến lược trong tình hình mới
Bộ Chính trị họp (từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975) quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu 

Nghiên cứu, đánh giá, dự báo sát đúng tình hình, chủ động tạo và nắm thời cơ chiến lược

Sau Hiệp định Paris (tháng 1-1973), tương quan lực lượng địch-ta trên chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ; đặc biệt, thắng lợi của Chiến dịch Đường 14-Phước Long (cuối năm 1974, đầu năm 1975) giúp Đảng ta nhận định Mỹ không có khả năng trở lại can thiệp quân sự ở miền Nam; trên cơ sở đó, chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến cứu nước trong năm 1975 hoặc 1976.

Từ thực tiễn tình hình thay đổi mau lẹ trên chiến trường, nhất là sau khi địch bất lực tái chiếm Buôn Ma Thuột và buộc phải triệt thoái khỏi Tây Nguyên, bỏ Huế, Đà Nẵng, mất các tỉnh duyên hải miền Trung; cách mạng nước ta đang ở thế tiến công chiến lược, phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”; ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị chỉ đạo: Phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất, tốt hơn cả là ngay trong tháng 4-1975.

Ngày 22-4-1975, trước tình hình quân địch có biểu hiện tan rã, báo hiệu sự sụp đổ, Bộ Chính trị gửi điện cho Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ rõ: “Thời cơ để mở cuộc tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là đảm bảo chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn...”. Những nhận định, dự báo và chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có vai trò quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

 Hiện nay, bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; việc nghiên cứu, nắm vững, dự báo xu hướng vận động của tình hình thế giới, khu vực, trong nước để nhận diện, xác định thời cơ, vận hội xây dựng, phát triển đất nước là đòi hỏi cấp thiết. Trong đó, tập trung làm rõ vị trí, vai trò địa chiến lược về kinh tế, chính trị của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực. Xác định đúng đối tượng, đối tác, nắm rõ, nhận định và dự báo sát đúng ảnh hưởng, tác động của các nhân tố, từ đó dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ, tranh thủ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững; đồng thời, nắm bắt, khai thác đúng thời cơ, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển đất nước.

Xác định phương châm chỉ đạo chiến lược phù hợp

Tháng 3, tháng 4-1975, với những đòn tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng nhân dân, ta đã nhanh chóng tiêu diệt được căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của quân ngụy ở Tây Nguyên, miền Trung. Lực lượng vũ trang cách mạng có bước phát triển, trưởng thành vượt bậc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, kinh nghiệm chỉ huy, chiến đấu tăng thêm, khả năng cơ động của khối chủ lực tiếp tục tăng lên gấp bội.

Trước sự phát triển của tình hình, Bộ Chính trị khẳng định: Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch. Bọn ngụy đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, lúc này dù chúng có tăng viện cũng không thể cứu vãn nổi tình thế sụp đổ của ngụy. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất. Thực hiện phương châm chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, trong thời gian ngắn, ta đã cơ động tập trung được lực lượng lớn, tương đương 5 quân đoàn cùng nhiều sư, lữ, trung đoàn của các quân chủng, binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương; hàng chục vạn tấn vật chất, hàng chục nghìn phương tiện đã vào triển khai, hình thành thế bao vây, chia cắt, luồn sâu và lót sẵn trên các hướng, bảo đảm sẵn sàng cho cuộc tổng công kích đánh vào đầu não quân địch ở Sài Gòn-Gia Định.

Ngày 26-4-1975, sau một thời gian cơ động thần tốc, vừa hành quân, vừa tiến công địch giải phóng địa bàn, vừa bổ sung lực lượng, trang bị, 5 binh đoàn chủ lực của Quân giải phóng (các quân đoàn: 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 tương tương quân đoàn) chia thành 5 mũi cùng lúc tiến công vào trung tâm Sài Gòn-Gia Định. Trưa 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ hoàn toàn.

Từ thực tiễn xác định đúng phương châm trong Đại thắng mùa Xuân 1975 cho thấy, trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ hiện nay, cần thực hiện tốt các phương châm chiến lược của Đảng; trong đó, lợi ích quốc gia-dân tộc là bất biến, là trên hết; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, linh hoạt về sách lược; giữ cho được “trong ấm, ngoài êm”. Kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân gắn với xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương vững mạnh. Nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả những yếu tố bất lợi, nhất là nguy cơ gây đột biến, thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống từ cơ sở. Chủ động thiết lập tuyến phòng thủ, tạo vành đai an ninh từ ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; bảo đảm hài hòa lợi ích trong quan hệ với các nước; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội; phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ vừa hợp tác, vừa đấu tranh, không để rơi vào thế cô lập, bị động, lệ thuộc, đối đầu... BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; chủ động phòng ngừa, giữ vững ổn định bên trong là chính; ngăn ngừa bất hòa, bất đồng, nguy cơ bạo động, ly khai, xung đột, chiến tranh, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Thực hiện phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, kịp thời triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết, chiến lược về xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) do Đại hội XIII của Đảng xác định. Trong lĩnh vực quốc phòng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt, thực hiện tốt phương châm chỉ đạo trong Chiến lược BVTQ và các chiến lược quân sự, quốc phòng, BVTQ trên không gian mạng... bảo đảm ổn định và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và CNXH trong mọi tình huống.

Kịp thời điều chỉnh quyết tâm chiến lược

Trên cơ sở ý định của Bộ Chính trị, từ tháng 4-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thành lập Tổ trung tâm, có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Đặc biệt, sau chiến thắng có ý nghĩa chiến lược ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị quyết tâm chuyển “Kế hoạch cuộc tiến công chiến lược 1975” thành cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975”. Đồng thời, quyết định tiếp tục mở Chiến dịch giải phóng Trị Thiên-Huế và Chiến dịch Đà Nẵng. Trước những thắng lợi của các đòn tiến công mạnh mẽ, áp đảo, dồn dập của ta, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị quyết định: Tốt hơn cả là tổng tiến công và nổi dậy bắt đầu và kết thúc trong tháng 4-1975, không để chậm. Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngày 4-4-1975, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục chỉ đạo các hướng, mũi tiến công quân địch trên khắp các mặt trận; đồng thời, chỉ thị cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và trên Biển Đông... 

50 năm đất nước được hoàn toàn giải phóng, nhất là sau gần 40 năm đổi mới, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức; tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Do vậy, ngay từ thời bình, các ban, bộ, ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; chăm lo củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; tập trung nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, nhất là xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền trong xây dựng tiềm lực kinh tế, tiềm lực và thế trận quân sự trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... để đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển mới dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Trung tướng, PGS, TS VŨ CƯƠNG QUYẾT, Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam

Cập nhật ngày 30/4/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.934
Hôm qua : 6.259
Tháng 04 : 198.054
Năm 2025 : 746.626
Tổng số : 84.703.559