• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (13/9), Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng A Tính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 7/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại hầu hết các địa phương đặc biệt các tỉnh phía Nam ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tại nhiều địa phương, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất ở nhiều nơi. Trong bối cảnh đó, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, các giải pháp hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu; thành lập hai Tổ công tác đặc biệt phía Nam và phía Bắc để chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đã thực hiện kết nối trên 1.400 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm ở phía Nam và xây dựng dữ liệu 2.093 các đầu mối cung ứng nông sản phía Bắc. Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, đặc biệt các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp duy trì sản xuất tại những vùng phải thực hiện giãn cách xã hội, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất tại những vùng không bị giãn cách nhằm phục vụ tiêu thụ tại chỗ; bù đắp, cung ứng cho các địa phương sản xuất thiếu hụt do giãn cách xã hội; chuẩn bị khối lượng nông sản phục vụ cho giai đoạn hậu dịch Covid-19, Tết Nguyên Đán và phục vụ xuất khẩu.

Tính chung 8 tháng, nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng (gồm: cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế). Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 32,13 tỷ USD nhờ những nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ ngành; đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động vượt khó của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng xu hướng phục hồi các hoạt động, dịch vụ, tiêu dùng từ các thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, EU)…

Năm 2021, Ngành nông nghiệp đang đứng trước những thách thức lớn như sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn nhỏ lẻ, hạ tầng nông nghiệp còn yếu, chế biến thô là chủ yếu; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sản còn nhiều khó khăn về nguồn vốn; chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí nguyên liệu và vật tư đầu vào tăng cao; nhân lực phục vụ sản xuất, chế biến nông sản tại các nhà máy gặp khó khăn...

Quang cảnh Hội nghị tại các điểm cầu.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận vào các vấn đề như thực trạng tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu các loại trái cây, rau củ quả, thủy sản, chăn nuôi; việc luân chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu trong điều kiện phòng chống dịch Covid 19; công tác phối hợp trong nước giữa các tỉnh biên giới với các địa phương vùng trồng trong hoạt động xuất khẩu…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành địa phương trong việc thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm đảm bảo chủ động nguồn cung lương thực – thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán… Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phát huy vai trò trong việc chủ động triển khai các chính sách đảm bảo cho việc lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 thông suốt theo đúng chỉ đạo của Trung ương. UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp, xây dựng phương án, kịch bản phục hồi sản xuất, kinh doanh; thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phối hợp với người dân, doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch tái đàn, tái sản xuất nhằm đảm bảo chủ động nguồn cung lương thực thực phẩm phục vụ tết Nguyên đán …

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo; tăng cường phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng; thúc đẩy sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh, mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bộ Công thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đàm phán việc xuất khẩu nông sản sang thị trường một số nước, tạo điều kiện tối đa cho các mặt hàng xuất khẩu theo chính ngạch...


Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.412
Hôm qua : 7.946
Tháng 03 : 151.753
Năm 2024 : 582.588
Tổng số : 82.048.681