Tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Ba Lan
Chiều 17/1 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Warsaw, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã điểm lại tình hình hợp tác kinh tế giữa hai nước; giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu hợp tác đầu tư giữa hai nước; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Đặc biệt, đề xuất các lĩnh vực hợp tác mà bên này có thế mạnh, bên kia có nhu cầu.
Trong đó, Ba Lan là điểm sáng về công nghệ và công nghiệp. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Ba Lan được coi là trung tâm công nghệ thông tin của châu Âu với các thành phố nổi danh như: Warsaw, Krakow, Wrolaw và Gdansk - nơi hội tụ nhiều công ty công nghệ lớn từ các startup đến các tập đoàn toàn cầu như: Google, IBM, Microsoft...
Cùng với đó, Ba Lan còn được biết đến là quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo như sản xuất ô tô, đóng tàu, sản xuất điện tử và máy móc thiết bị điện; công nghiệp khai khoáng, hóa dầu và chuyển đổi năng lượng với các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ xanh tiên tiến.
Trong khi đó, Việt Nam những năm qua luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động, luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực và thế giới; đồng thời, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có các thế mạnh về dân số đông, chính trị ổn định; an ninh được đảm bảo; có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động, có khả năng tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và hội nhập tốt, cùng với lợi thế về mặt bằng sản xuất sẵn có và thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhất là gần 6 tỷ người tiêu dùng trong 17 Hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới.
Các ý kiến tại Diễn đàn đánh giá thời gian qua, quan hệ song phương Việt Nam – Ba Lan ngày càng đi vào thực chất, trọng điểm, hiệu quả, tạo đà cho hợp tác kinh tế, công nghiệp, thương mại phát triển. Trong thập kỷ vừa qua, không có nhiều quốc gia tại Liên minh châu Âu (EU) duy trì liên tục đà tăng trưởng thương mại hai chiều thường xuyên ở mức 2 con số với Việt Nam như Ba Lan.
Trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ba Lan tăng trưởng trung bình gần 40%/năm. Kết quả này, đưa Ba Lan là bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam tại Trung Đông Âu, còn Việt Nam là bạn hàng thứ 3 của Ba Lan ở Đông Nam Á.
Về đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2024, Ba Lan đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 32 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 473 triệu USD, hình thức chủ yếu là 100% vốn nước ngoài. Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng vốn đầu tư 1,84 triệu USD, thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chế biến.
Thời gian tới, các doanh nghiệp hai nước sẽ tập trung hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 5 tỷ USD vào năm 2030 như mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Các doanh nghiệp Ba Lan sẽ đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành mũi nhọn của Ba Lan, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam như công nghệ thông tin, sản xuất và chế tạo công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và y tế, vận tải, tài chính và ngân hàng.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, thế giới có nhiều thay đổi nhưng tình cảm chân thành giữa hai dân tộc Việt Nam và Ba Lan không bao giờ thay đổi và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Do đó, hai bên có nhiều chuyện để bàn, nhiều việc phải làm với trách nhiệm và niềm vinh dự để không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, đất nước. Đây là mệnh lệnh của trái tim, là suy nghĩ của khối óc, vì lợi ích của nhân dân, của hai đất nước và đóng góp cho hoà bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng đánh giá đến nay, các cơ chế hợp tác giữa hai nước đã được thiết lập, trong đó lớn nhất đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi vào thực thi và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đang trong quá trình phê chuẩn.
Mặt khác, Thủ tướng cũng mong muốn Việt Nam là cầu nối, thúc đẩy, gắn kết hợp tác giữa Ba Lan, EU với ASEAN. Việt Nam ủng hộ Ba Lan tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) với ASEAN. Thủ tướng tin tưởng cơ chế hợp tác khu vực này sẽ được hình thành sớm, để đôi bên được hưởng lợi kép, tận dụng, khai thác tối đa.
Thủ tướng nêu rõ, quan hệ chính trị, ngoại giao, tình cảm hữu nghị giữa hai đất nước, mối quan tâm của nhân dân hai nước dành cho nhau rất chân thành, tin cậy. Qua trao đổi trong chuyến thăm lần này, các nhà lãnh đạo Ba Lan đều thể hiện tình cảm đặc biệt quý mến với Việt Nam, giữa hai nước có nhiều điểm chung, hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư chưa tương xứng mối quan hệ chính trị và ngoại giao tốt đẹp, chưa khai thác hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh hai nước.
Thủ tướng cho rằng điều này có một phần trách nhiệm của các nhà lãnh đạo hai nước và việc kết nối hai nền kinh tế sẽ có cách làm mới, tiếp cận mới để đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước, phát huy những thế mạnh bổ sung cho nhau về hàng hoá, công nghệ, thương mại, đầu tư.
Các doanh nghiệp phải tăng cường kết nối, thảo luận, làm việc, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển. Còn Chính phủ hai nước có trách nhiệm khắc phục các vướng mắc, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy vai trò dẫn dắt, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.
Chia sẻ về những định hướng chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung giữ vững môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển, tạo ra môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là với các lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ sức khoẻ người dân, phát triển nhanh và bền vững.
Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", cắt giảm thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy về tổ chức, coi thể chế là nguồn lực, động lực, giải phóng nguồn lực, góp phần làm giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, thực hiện đột phá về xây dựng hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, xã hội… góp phần làm giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa.
Cùng với đó, thực hiện đột phá về nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nâng cao năng suất lao động; tập trung vào những lĩnh vực mới nổi như: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…, các ngành điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI); đang thúc đẩy đầu tư chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng hơn 7%, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực (vốn đăng ký gần 40 tỷ USD, giải ngân khoảng 25 tỷ USD), kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách.
Thời gian tới, Việt Nam thực hiện khát vọng, tầm nhìn đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ít nhất 8% và những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong những ngành có hàm lượng khoa học, đổi mới sáng tạo cao hơn.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải cách tổ chức bộ máy bảo đảm "Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả" gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tăng cường phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, quốc tế; đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để thâm nhập nhiều thị trường khác nhau.
Thủ tướng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước rất phong phú; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, hợp tác hiệu quả hơn nữa, trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào; nỗ lực hết mình cho đất nước Ba Lan và Việt Nam. Thủ tướng mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Ba Lan hãy tăng cường đến đầu tư tại Việt Nam để đôi bên cùng thắng.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Ba Lan là trung tâm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sản xuất công nghiệp như đóng tàu, chế tạo cơ khí. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh dân số đông, lao động trẻ, có khả năng tiếp thu nhanh về công nghệ, có sẵn mặt bằng phục vụ sản xuất…
Bộ trưởng cho rằng những nền kinh tế có độ mở lớn như Ba Lan và Việt Nam cần tăng cường hợp tác, cũng như hợp tác ASEAN và EU sẽ đem lại lợi ích cho đôi bên.
Về phần mình, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Krystof Paszyk chia sẻ những thế mạnh của nền kinh tế Ba Lan mà hai bên có thể tập trung hợp tác và nêu rõ, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế bền vững giữa hai nước. Ba Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam mở rộng thị trường thương mại và đầu tư.
Hai Bộ trưởng đều khẳng định các bộ, ngành hai nước sẵn sàng hợp tác để tạo thuận lợi, cam kết hỗ trợ cho các cộng đồng doanh nghiệp hai nước làm ăn thuận lợi, thành công. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, thời gian tới, Ba Lan sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA, tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong kỷ nguyên mới.
Cập nhật ngày 17/1/2025