Thủ tướng: Đưa thể chế từ 'điểm nghẽn của điểm nghẽn' thành lợi thế cạnh tranh quốc gia
Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 7/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm là cơ bản tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, pháp luật trong năm 2025, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, đưa thể chế từ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025 để xem xét, cho ý kiến về 8 nội dung xây dựng pháp luật, trong đó có 7 dự án luật và đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026.
Dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng uỷ Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo chương trình tại Phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận 8 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế); Dự án Luật Thương mại điện tử; Dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế); Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế); Dự án Luật Báo chí (thay thế); đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026.
Theo các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, việc xây dựng đề xuất Chương trình lập pháp năm 2026, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 có ý nghĩa rất quan trọng, được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, với khoảng 40 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong năm 2026.
Các dự án luật được cho ý kiến thông qua tại Phiên họp cũng tạo lập nền tảng pháp lý rất quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong đó, Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho đầu tư, phát triển ngành hàng không hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp sẽ hoàn thiện quy định pháp luật nhằm cải cách thủ tục hành chính; xây dựng, quản lý tập trung cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy sẽ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.
Dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế) sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, bất cập, hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và quản trị mô hình đại học tiên tiến.
Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế) sẽ đổi mới cơ chế, chính sách, mô hình quản lý, phương thức đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Dự án Luật Thương mại điện tử sẽ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong bối cảnh phát triển kinh tế số toàn diện, phát triển thương mại xuyên biên giới; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Dự án Luật Báo chí (thay thế) sẽ hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý và phát triển báo chí, đáp ứng yêu cầu tình hình và bối cảnh mới, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số và truyền thông hiện đại.
Cho ý kiến để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm "phòng hơn chống", lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài; ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy; giảm cầu ma túy.
Với dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế), Thủ tướng nhấn mạnh đây là luật phục vụ kiến tạo phát triển, cần huy động nguồn lực tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển các hãng hàng không, sân bay, logistics hàng không, đô thị sân bay…; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay; phân cấp, phân quyền triệt để.
Về dự án Luật Thương mại điện tử, Thủ tướng đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam; vừa quản lý được, vừa thúc đẩy phát triển thương mại điện tử mạnh hơn, rộng hơn, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; thiết kế công cụ để giám sát, kiểm tra, phòng ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ, nhất là thuốc và thực phẩm; chống thất thu thuế, xử lý nghiêm hành vi gian lận thuế; đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Với dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế) và dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế), Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, yêu cầu: Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quản lý hiện đại, các bộ, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiến tạo phát triển; giáo dục có tính liên thông, khuyến khích học tập suốt đời; khuyến khích, chú trọng đào tạo các ngành cơ bản; có chế độ đào tạo chuyên khoa, đặc thù như pháp y, truyền nhiễm, các ngành nghệ thuật…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về công nhận trình độ đào tạo, học hàm, học vị, trong đó có các lĩnh vực chuyên sâu; bộ, ngành Trung ương quản lý, hướng dẫn về chuyên môn từ Trung ương tới địa phương, còn quản lý cơ sở vật chất và con người thì phân cấp cho ai quản lý tốt nhất; nâng cao chất lượng các đại học, thích ứng nhanh với các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, gắn nghiên cứu, đào tạo với đổi mới sáng tạo, sản xuất kinh doanh.
Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới
Phát biểu kết luận chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm là cơ bản tháo gỡ các vướng mắc thể chế, pháp luật trong năm 2025, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, đưa thể chế từ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên dành thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Nhấn mạnh một số yêu cầu, quan điểm trong công tác này, Thủ tướng chỉ đạo cần rà soát kỹ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm mục tiêu vừa kịp thời về thời gian, tiến độ, vừa nâng cao chất lượng: Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm nguyên tắc pháp lý cao nhất; các công cụ pháp lý phải sát thực tế, tinh thần chiến đấu cao, tính khả thi, tính hiệu quả.
Luật quy định các vấn đề khung, mang tính nguyên tắc, cái gì đã chín đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, ủng hộ thì luật hoá, áp dụng vào thực tiễn; những vấn đề còn đang biến động, diễn biến phức tạp thì giao Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Các hồ sơ, dự án luật sửa đổi, bổ sung cần làm rõ "5 sao" gồm: Vì sao lược bỏ, vì sao hoàn thiện, vì sao bổ sung, vì sao cắt bỏ thủ tục, vì sao phân cấp, phân quyền; các hồ sơ, dự án luật mới cần bảo đảm "6 rõ" gồm: (1) Rõ về phân cấp, phân quyền, (2) rõ quan điểm, nguyên tắc, (3) rõ việc cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, giảm phiền hà cho người dân, (4) rõ các quan điểm của Đảng phải thể chế hóa, (5) rõ tác động và hiệu quả khi ban hành luật, (6) rõ chính kiến khi còn ý kiến khác nhau. Diễn đạt phải ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá.
Thủ tướng lưu ý cần cầu thị lắng nghe các ý kiến, phát huy dân chủ trong thảo luận, tạo sự đồng thuận sâu rộng; chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách ngay từ khi khởi thảo các hồ sơ chính sách, dự án luật.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định để trình Quốc hội; phân công các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các dự án luật; giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện, sớm trình ban hành Nghị quyết Phiên họp để thống nhất triển khai.
Cập nhật ngày 23/7/2025