• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tam Đường khai thác tiềm năng phát triển du lịch

(laichau.gov.vn)
Tam Đường là huyện cửa ngõ của tỉnh, có nhiều tiềm năng trong phát triển các loại hình du lịch. Với chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống… Trong những năm qua huyện Tam Đường đã tập trung triển khai phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Các người đẹp Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2019 chụp ảnh tại cọn nước bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường. (Ảnh: Quang LB)

Trong tiết trời se lạnh cuối năm chúng tôi trở lại huyện Tam Đường để được trải nghiệm và khám phá những khu du lịch đẹp, mới, độc, lạ cùng những điểm du lịch cộng đồng giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Lào, Lự… Một địa điểm du dịch mới được xây dựng nhưng đã thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan và chiêm ngưỡng, đó là Khu du lịch sinh thái Cầu kính rồng mây thuộc Dự án đầu tư khu du lịch Thác Trắng đèo Hoàng Liên Sơn tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn. Nơi đã làm cho du khách hài lòng trước kỳ quan thiên nhiên, một kiệt tác do tạo hóa ban tặng. Khu du lịch sinh thái Cầu kính rồng mây được mệnh danh là “Đường lên thiên đỉnh”, đến tham quan du khách được thỏa sức ngắm nhìn những con đường trải nhựa bằng phẳng, uốn mình qua những thửa ruộng bậc thang và những nương chè xanh ngút ngàn, núi đồi trùng điệp. Công trình có hệ thống thang máy lồng kính với tổng chiều cao 300m, thiết kế ba bề mặt kính trong suốt vươn ra vách núi 60m, lối đi rộng 5m nối buồng thang máy vào vách núi đá trên độ cao 2.200m so với mực nước biển và 548,5m so với độ cao khe núi của dãy Hoàng Liên Sơn, chịu lực và an toàn cao.

Anh Nguyễn Anh Huân - Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn chia sẻ: Để hoàn thành khu du lịch này chúng tôi phải đầu tư gần 2 nghìn tỷ đồng, hiện tại chúng tôi mới xong được giai đoạn 1, giờ đang tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 gồm các hạng mục như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bể bơi điều hòa, khu vui chơi cảm giác mạnh… Chúng tôi xác định, đây là điểm kết nối giữa trung tâm du lịch Sa Pa với các điểm du lịch của tỉnh nên cố gắng xây dựng những công trình mới, lạ, độc đáo, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Hiện tại, hệ thống thang máy ngoài trời và cầu kính là 2 sản phẩm du lịch đặc biệt, đóng vai trò quan trọng nhất trong tổng thể khu du lịch Cầu kính rồng mây. Khu du lịch đã và đang thu hút du khách đến tham quan, trung bình mỗi ngày tiếp đón từ 500 - 600 lượt khách, có ngày đỉnh điểm lên đến 2.000 lượt khách, tương đương với doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng mỗi ngày. Khu du lịch sinh thái Cầu kính rồng mây được nhận định là điểm du lịch trọng yếu của tỉnh và huyện.


Cầu kính Rồng Mây. (Ảnh: Khắc Kiên)

Với những ai muốn tìm về không gian bình yên, tạm xa những khói bụi và sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố thì chắc hẳn đồi thông Tả Lèng (ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng) sẽ là một điểm đến tuyệt vời. Nơi đây được các du khách ví như “Đà Lạt” thu nhỏ của Lai Châu, vừa có khí hậu trong lành, mát mẻ vừa có phong cảnh hữu tình nên thơ. Ghé thăm đồi thông Tả Lèng một lần, du khách không khỏi ngỡ ngàng về những gì thiên nhiên đã ban tặng. Giữa núi rừng mênh mông, du khách như lạc vào không gian mơ mộng, hòa quyện trong tiếng chim hót và tiếng gió thổi du dương… Tất cả tạo nên một bức tranh hữu tình, xua tan mọi mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống. Đây là điểm du lịch lý tưởng cho nhiều gia đình và các bạn trẻ đến thư giãn và vui chơi vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ.

Huyện Tam Đường, có tất cả 12 điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn như: Thác Tác Tình, động Tiên Sơn, đỉnh Pu Ta Leng, hang Đông Pao, động Hủm Xanh, đèo Hoàng Liên Sơn, bản Sì Thâu Chải, bản Nà Luồng, bản Nà Khương, bản Lao Chải 1, bản Bản Thẳm, Bản Hon. Trong đó huyện xác định, du lịch cộng đồng là xương sống để phát triển toàn diện các dịch vụ du lịch. UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chủ động xây dựng kế hoạch và tuyên truyền cho bà con Nhân dân mục đích và ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời huyện vận động người dân di chuyển khu chăn nuôi ra khỏi bản, đảm bảo vệ sinh môi trường; hàng tuần vào thứ 7, chủ nhật tập trung quét dọn và chỉnh trang làng bản; giúp họ nắm bắt cơ bản về kỹ năng để làm du lịch góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ người dân đi đào tạo nghề, đặc biệt là các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nghề làm ghế mây và phát triển các sản phẩm khác như mật ong, các hàng nông sản làm sản phẩm du lịch. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường cho biết: Năm 2019, du khách đến với huyện Tam Đường đạt hơn 160.000 lượt với doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 52 tỷ đồng, tăng gần 30 tỷ so với năm 2018. Các năm qua, nhiều điểm du lịch mới của Tam Đường được đưa vào khai thác hiệu quả; nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như: Lễ cúng rừng của dân tộc Lự, Lễ cưới của dân tộc Giáy...; khôi phục, xây dựng một số nghề thủ công truyền thống như: Nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan, rèn đúc (xã Hồ Thầu, Tả Lèng, Bản Hon)...; bảo tồn nhà truyền thống của dân tộc Dao và các nét độc đáo về văn hóa của dân tộc Dao, dân tộc Mông; duy trì và nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng bản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đồng chí Cao Trang Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian tới, để quảng bá những điểm du lịch cũng như bản sắc văn hóa của địa phương đến với du khách trong nước cũng như quốc tế, huyện sẽ quan tâm chỉ đạo khai thác hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá trên hệ thống mạng xã hội, thiết lập, phát triển các trang quảng bá du lịch; bố trí đội ngũ cán bộ phụ trách, thường xuyên theo dõi, xây dựng các phóng sự, tin bài, hình ảnh về văn hóa và du lịch địa phương để quảng bá, đăng tải trên các fanpape, hội nhóm như Hội phượt, Hội du lịch Việt Nam, trên youtube, Cổng thông tin điện tử… 

Hy vọng với những định hướng và việc làm cụ thể, sang xuân Canh Tý năm 2020, huyện Tam Đường tiếp tục phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phát huy và bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Lê Dương


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.016
Hôm qua : 8.295
Tháng 03 : 222.312
Năm 2024 : 653.147
Tổng số : 82.119.240