• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (29/10), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Tại đầu cầu Chính phủ, dự họp còn có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Dự tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các tháng 9-10/2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Hội nghị giao ban trực tuyến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các đoàn công tác của Chính phủ tới các địa phương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Nhờ đó tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, đến ngày 31/10/2020 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch giao. Có sự chênh lệch giải ngân khá lớn giữa các bộ, ngành và địa phương. Phần lớn các bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ Giao thông vận tải có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%)...

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương tập trung thảo luận về những vấn đề khó khăn, vướng mắc, hạn chế; đưa ra các kiến nghị, đề xuất và các giải pháp nhằm thực hiện đạt kết quả cao trong việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh Hội nghị tại các điểm cầu.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hiện nay, tình hình mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đang diễn biến hết sức phức tạp, thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ cho công tác cứu hộ cứu nạn, sơ tán dân ra khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo người dân không bị đói, bị rét.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng, mặc dù đến nay, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt trên 60%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân ODA cũng có chuyển biến song tỷ lệ còn thấp. Nhiệm vụ giải ngân trong 2 tháng còn lại để kết thúc năm 2020 rất nặng nề.

Để giải ngân hết số vốn các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong năm 2020, là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, năm 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ gắn với trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong năm 2020 và những năm tiếp theo...

Lãnh đạo các địa phương và các bộ, cơ quan trung ương phải đi sâu, đi sát, bám sát yêu cầu thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, đồng thời tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp...


Tác giả: Thu Hoài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 322
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 224.226
Năm 2024 : 655.061
Tổng số : 82.121.154