• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (24/11), tại Hội trường Diên Hồng thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Nông Đức Mạnh - Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương…

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh…

Mở đầu Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày báo cáo tóm tắt “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng". 

Theo đó, Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung… Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục xác định quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên…”. Với quan điểm Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hệ giá trị quốc gia lần đầu tiên được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, giữ vai trò chi phối, bao trùm hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, chuẩn mực văn hóa cụ thể của con người Việt Nam và hệ giá trị gia đình Việt Nam.  

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa Việt Nam đó là: Tập trung hoàn thiện thể chế văn hóa, thực hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn, thể chất; nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước…

Suốt 2 năm qua, trong cuộc chiến chống Covid-19, cả đất nước cùng đồng lòng chống dịch. Hơn bao giờ hết, sức mạnh nội sinh của dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ. Mọi giai tầng trong xã hội, từ những người ở tuyến đầu đến những người dân: Già, trẻ, gái, trai đều mang trong mình tinh thần vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Những giá trị, tinh thần tốt đẹp sẽ thôi thúc mỗi người Việt cống hiến hết mình trong lao động và sáng tạo, vì một Việt Nam cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc…

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tham luận tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương; các nhà khoa học, nhân sỹ trí thức đã tập trung vào các giải pháp xây dựng văn hóa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11. (Ảnh nguồn: Nguyễn Hoàng/baochinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Để triển khai những chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam; nâng cao trình độ chuyên môn, đội ngũ văn nghệ sỹ, chú trọng đào tạo đội ngũ văn nghệ sỹ làm công tác văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp văn hóa nói chung. Cấp ủy chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa Việt Nam; đổi mới chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ, phấn đấu có nhiều tài năng lớn, có ý nghĩa tích cực xây dựng văn hóa và con người Việt Nam hiện nay. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các vùng miền, các dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, nêu cao tinh thần nhân nghĩa, nhân ái, “thương người như thể thương thân”…

Buổi chiều, Hội nghị tiếp tục với các tham luận về các vấn đề, các giải pháp xây dựng văn hóa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.


Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.101
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 191.931
Năm 2024 : 863.521
Tổng số : 82.329.614