A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

(laichau.gov.vn)

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1445/UBND-KTN về việc tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Các lực lượng chức năng thành phố Lai Châu vận chuyển lợn nhiễm bệnh đi tiêu hủy.

Công văn nêu rõ: Từ đầu năm 2020 đến ngày 10/7/2020, dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 45 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó các tỉnh giáp ranh cũng đang xuất hiện dịch ở nhiều huyện, thành phố, cụ thể: Điện Biên (5 huyện, thành phố), Sơn La (7 huyện, thành phố), Lào Cai (8 huyện, thành phố) và Yên Bái (2 huyện). Trên địa bàn tỉnh, bệnh DTLCP đã xuất hiện từ ngày 08/6/2020 tại thành phố Lai Châu và đang có chiều hướng tiếp tục lây lan rộng, đến ngày 15/7/2020, bệnh xảy ra ở 69 hộ/32 bản/15 xã của 05 huyện, thành phố, tổng số lợn phải tiêu hủy là 290 con/15.575 kg. Theo điều tra dịch tễ nguyên nhân bệnh tái phát, lây lan chủ yếu do từ các ổ dịch cũ; do việc lưu thông, vận chuyển, giết mổ, mua bán, cho, tặng lợn và sản phẩm lợn đã nhiễm bệnh; do nhập lợn để tái đàn thiếu kiểm soát...

Do bệnh chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường, trong khi hiện đang là mùa mưa nên việc áp dụng các biện pháp tiêu độc, khử trùng hiệu quả thấp; phương thức chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nên dự báo trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Để chủ động phòng bệnh, sớm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh DTLCP trong diện hẹp, hạn chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho chăn nuôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay một số nội dung:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tập trung triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn Luật, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh.

Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, thực hiện phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách cụ thể từng địa bàn để tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống DTLCP tại cơ sở đảm bảo việc khống chế ổ dịch kịp thời, không để dịch phát tán, lây lan.

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu vào địa bàn tỉnh tiêu thụ; chủ động phát hiện, báo cáo các lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý kịp thời; không mua bán, cho tặng động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y; không phối giống (trực tiếp và thụ tinh nhân tạo) không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Thông báo tới người dân trên địa bàn về tình hình dịch bệnh DTLCP những nguy cơ có thể làm dịch bùng phát, lây lan để người dân có các biện pháp chủ động phòng chống; Tổ chức các đợt tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại chăn nuôi tại khu vực các ổ dịch hiện đang diễn ra và các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kinh doanh, kiểm soát giết mổ, nhất là các khu vực chợ trung tâm các huyện, thành phố; thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng hàng ngày khu vực kinh doanh, chợ, cơ sở giết mổ gia súc theo quy định. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc lấy mẫu xét nghiệm trước khi giết mổ đối với lợn tại các xã, phường, thị trấn đang có dịch.

Kiện toàn và tăng cường hoạt động của các tổ, đội liên ngành trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn huyện, thành phố, nhất là việc buôn bán, vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch; xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, vận chuyển ra, vào vùng dịch hoặc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không có hồ sơ kiểm dịch.

Tăng cường công tác theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh; tổ chức khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng, kịp thời ngay khi bệnh, dịch còn trong diện hẹp. Có phương án chủ động phòng chống dịch, sẵn sàng nguồn nhân lực, kinh phí để ứng phó khi có dịch xảy ra, kể cả trong các ngày nghỉ, ngày lễ. Tuyệt đối không được giấu dịch hoặc chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh.

Chỉ thực hiện tái đàn lợn ở những cơ sở chăn nuôi đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát lập dự án và tổ chức triển khai dự án đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn quản lý (Khảo sát lập dự án 1000 lợn nái sinh sản và 20.000 lợn thịt thương phẩm của Công ty TNHH MTV Đồng Anh; dự án chăn nuôi 12.000 lợn hậu bị của Công ty TNHH Ngân Giang tại huyện Tân Uyên) để đẩy nhanh các dự án vào hoạt động.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, đánh giá nguy cơ lây lan của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để tham mưu kịp thời các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm, lây lan của dịch bệnh. Tiếp tục tổ chức lấy mẫu giám sát để kịp thời xác minh dịch bệnh, phối hợp với UBND các huyện, thành phố khoanh vùng dập dịch ngay trong diện hẹp, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật xuất, nhập tỉnh và kiểm dịch nội tỉnh theo quy định. Thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc phòng chống, dịch bệnh tại các địa bàn có nguy cơ cao. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống và xử lý dịch bệnh theo quy định.

Các thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh: Tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP tại các huyện, thành phố, nhất là tại các địa phương đang có dịch theo phân công tại Quyết định số 05/QĐ-BCĐ ngày 17/7/2019 của BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tăng cường triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Nội dung tuyên truyền tập trung về tình hình dịch bệnh, nguyên nhân lây nhiễm, nguy cơ phát sinh, lây lan, tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn đến người chăn nuôi; khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác vệ sinh thú y, an toàn sinh học trong chăn nuôi.


Tác giả: Phạm Dung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.045
Hôm qua : 7.172
Tháng 04 : 121.380
Năm 2024 : 792.970
Tổng số : 82.259.063