• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Phát triển kinh tế nông nghiệp thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế

(laichau.gov.vn)
 Ngành Nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về hội nhập kinh tế quốc tế nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các cấp, các ngành và người dân đã chú trọng việc sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường.

Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới của anh Vũ Văn Việt.

Việc hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mang lại nhiều thời cơ và thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, bởi vậy các cấp chính quyền và người dân trong tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp trong sản xuất nông nghiệp để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Một số nơi trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh với quy mô lớn như trong tổng diện tích chè của toàn tỉnh là 3.560 ha phân bổ chủ yếu ở thành phố, Tam Đường và Tân Uyên. Việc hình thành các vùng chuyên canh tiện lợi cho việc chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với quy mô lớn, tập trung. Hiện nay, Tân Uyên đã và đang hình thành vùng chè chất lượng cao để tăng cao thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích đất canh tác. Cây cao su cũng là cây công nghiệp có diện tích lớn ở tỉnh ta với 13.000 ha tập trung chủ yếu ở huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè và Than Uyên. Đây là loại cây trồng hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập cao, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.

Cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh, người dân đã biết sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, không còn sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp như trước đây. Nhận thấy trên địa bàn thành phố là nơi tiêu thụ hoa đầy tiềm năng, anh Lê Xuân Tỉnh, phường Tân Phong đã đầu tư chuyên canh hoa hồng. Năm 2014, anh đã cung cấp ra thị trường 70-80 vạn bông hồng, hoa của anh không chỉ bán trên địa bàn thành phố mà còn cung cấp cho các vùng lân cận. Ngoài ra, anh còn trồng 7 nghìn gốc ly để bán cho người tiêu dùng vào dịp Tết nguyên đán Ất Mùi. Anh trồng loại hoa ly nhiều tai được khách hàng ưa chuộng và bán được với giá thành cao hơn. 

Khác với anh Tỉnh, anh Vũ Văn Việt, phường Quyết Tiến lại đầu tư sản xuất rau sạch để cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Là người chuyên canh rau từ nhiều năm nay, anh Việt thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Vì vậy, anh quyết định đầu tư nhà lưới để sản xuất rau sạch. Với gần 3.000 m2 nhà lưới anh đã trồng nhiều loại rau, quả để cung cấp ra thị trường. Việc trồng rau trong nhà lưới sẽ giữ được độ ẩm cho đất, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tránh được mưa to, mưa đá sẽ làm hỏng rau. Từ khi có nhà lưới, vợ chồng anh không phải mất nhiều công chăm sóc rau như trước nữa. Anh dự tính sẽ đầu tư hệ thống sấy đất trước mỗi lần trồng rau để hạn chế tối đa sâu bệnh phát triển và giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Việc nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để cung cấp các sản phẩm thị trường cần để mang lại hiệu quả cao trong sản xuất đã xuất hiện ngày một nhiều không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn ở các địa phương trong tỉnh. Đấy chỉ là 2 trong số rất nhiều nông dân có đầu óc nhanh nhạy, nắm bắt thị trường để sản xuất những sản phẩm theo thị hiếu, nhu cầu. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các cấp, các ngành, các địa phương và người dân đặc biệt chú trọng. Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau như chương trình 30a, chương trình 135, chương trình khuyến nông và người dân tự mua, đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.700 máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp các loại như máy làm đất, công cụ xạ hàng, máy chế biến thức ăn gia súc… đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và nâng cao hiệu quả sản xuất. Các cánh đồng lớn đã cơ giới hóa sản xuất được 60% diện tích. Riêng một số cánh đồng như Mường So, Khổng Lào huyện Phong Thổ; Mường Khoa, huyện Tân Uyên và Mường Than huyện Than Uyên tỷ lệ đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất đạt trên 90% diện tích.

Để nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật cho người dân, những năm qua Ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình, dự án khuyến nông để giúp người dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất. Hầu hết các mô hình, dự án đều mang lại kết quả tốt đặc biệt là có thể nhân rộng và đưa vào sản xuất đại trà. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập được chú trọng. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Đại Dương sản xuất 3 ha lúa lai F1, đồng thời nhập thêm các giống lúa, ngô lai chất lượng cao phù hợp với địa hình, khí hậu của tỉnh cho người dân sản xuất. Các giống lúa địa phương có chất lượng cao được quan tâm đưa vào sản xuất nhiều như lúa Tẻ Râu, Séng Cù được người dân gieo trồng nhiều ở huyện Tam Đường, Than Uyên và Thành phố được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhằm đẩy mạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh ta tiếp tục khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp gắn với xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền và bạn bè quốc tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hợp tác một cách chọn lọc các chương trình dự án nông nghiệp có hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân và mang tính lâu dài./.

 

 

Nghiêm An TP Lai Châu


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.743
Hôm qua : 4.332
Tháng 05 : 66.658
Năm 2025 : 815.447
Tổng số : 84.772.380