A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Than Uyên phát triển ngành “công nghiệp không khói”

(laichau.gov.vn)

Thiên nhiên ưu đãi, Than Uyên có khí hậu trong lành, cảnh sắc đa dạng, nhiều đặc sản. Cùng với đó, trong cộng đồng còn lưu truyền nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng. Đó được đánh giá như là những tài nguyên quý để Than Uyên phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói.

Chinh phục dòng Nậm Mu đã giúp Than Uyên bố trí, sắp xếp lại dân cư, khi thủy điện Bản Chát đi vào hoạt động, dòng sông tuôn trào năng lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và điện khí hóa của Tổ quốc. Lòng hồ mênh mang ấy cũng giúp nơi đây mở ra tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ. Mực nước dâng cao, lòng hồ đã tạo thành những đảo, vịnh, bến bãi, nếu cải tạo tốt sẽ là những địa điểm có sức hút với du khách ưa khám phá. Tận dụng lợi thế lòng hồ bản Thẩm Phé (xã Mường Kim) đã mở rộng diện tích nuôi cá lồng, tổ chức dịch vụ du lịch lòng hồ, thưởng thức đặc sản địa phương. Qua thực tế cho thấy, chuỗi cung ứng dịch vụ này đang ngày càng phát triển, có sức hút mạnh với khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Xã Pha Mu cũng nằm trong vùng lòng hồ thủy điện, thời gian gần đây, trải nghiệm ở “vịnh Pá Khôm” vào dịp cuối tuần khám phá nét đẹp văn hóa của đồng bào Thái, Mông nơi đây đang trở thành trào lưu. Theo ông Hoàng Phi Hùng - Chủ tịch UBND xã Pha Mu, để “vịnh Pá Khôm” trở thành điểm đến du lịch, xã tổ chức nhiều hoạt động thi bơi bè, mảng và liên hoan văn nghệ vào các dịp cuối tuần. Đặc biệt, khu nhà nổi phục vụ ẩm thực dân tộc ngày càng thu hút đông đảo du khách muốn thưởng thức món ngon truyền thống của bà con nơi đây. Để thu hút du khách, xã đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội. Phát huy lợi thế sẵn có, cùng công nghệ 4.0 đã góp phần không nhỏ giúp địa phương đánh thức tiềm năng du lịch.

Dân bản chuẩn bị ẩm thực dân tộc để tiếp đón du khách.

Cùng với lòng hồ thủy điện, trên địa bàn huyện còn có hệ thống hang động nằm rải rác các địa phương. Mỗi hang động gắn với một truyền thuyết, giai thoại thấm đẫm tình người nơi đây. Đặc biệt, hang động Thẩm Đán Chể (xã Mường Kim) các hóa thạch còn lưu lại nhiều dấu tích của người tiền sử qua các giai đoạn phát triển. Địa danh này được đánh giá là nguồn sử liệu quan trọng, sẽ là điểm đến của giới nghiên cứu và khảo cổ học. Tới thời điểm hiện tại, Thẩm Đán Chể vẫn chưa được khai thác, vì thế thăm thẳm lòng hang những bí mật của thời gian vẫn được giữ kín chờ được khám phá.

Trên địa bàn huyện có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong cộng đồng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo từ ngôn ngữ, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nhạc cụ truyền thống… Đây là nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết tập trung vào bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Những nghi lễ, lễ hội dân gian tiêu biểu như: Lễ hội Xòe chiêng, Lễ hội Lùng tùng (xuống đồng) của dân tộc Thái. Huyện đã thành lập 2 câu lạc bộ đàn tính - hát then của dân tộc Thái, thành lập 115 đội văn nghệ quần chúng ở các bản, khu phố. Các địa phương trong toàn huyện đang hình thành các mô hình điểm về truyền dạy nhạc cụ dân tộc. Không chỉ giúp văn hóa truyền thống được lan truyền một cách tự nhiên, còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư, giúp du khách có thêm các trải nghiệm thú vị.

Một góc vịnh nước lòng hồ thủy điện Bản Chát dâng cao tạo cảnh sắc nên thơ ở Pha Mu.

Phát huy các thế mạnh, nguồn lực để phát triển du lịch, Than Uyên bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm như: Du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Bản Chát, Khu di tích lịch sử Bản Lướt, làng cá Thẩm Phé, đồi thông thị trấn. Theo bà Lương Thị Tý - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên, thời gian qua, lượng du khách tới trải nghiệm ở các bản văn hóa thuộc các xã Mường Cang, Mường Kim và một số địa phương trên địa bàn tăng so với trước. Phần lớn du khách tới tìm hiểu về tri thức dân gian, thưởng thức ẩm thực dân tộc, nghệ thuật biểu diễn... Qua đó, giúp bà con dân bản có thêm nguồn thu tái đầu tư cho du lịch để phát triển kinh tế.

Trong năm 2022, các điểm du lịch của huyện Than Uyên đã đón trên 90 nghìn lượt du khách, lượng khách lưu trú năm nay cao hơn nhiều so với những năm trước đây, lượng du khách quốc tế cũng tăng cao. Đây là những tín hiệu vui cho du lịch của huyện Than Uyên. Qua đó, khẳng định sức sống của Nghị quyết phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025 của Đảng bộ huyện. Vừa qua, tại Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn nghệ nhân của Than Uyên với các tiết mục đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã để lại nhiều ấn tượng với du khách. Các phần trình diễn cùng khu trưng bày sản phẩm đã thay lời mời gọi du khách tới thăm, trải nghiệm miền đất còn ẩn chứa nhiều điều kỳ thú.

Giàu tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng để ngành “công nghiệp không khói” của Than Uyên từng bước khẳng định, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Tăng cường tuyên truyền về các danh thắng của miền đất gió Than Uyên để quảng bá tới du khách và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Cập nhật ngày 31/10/2023


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 240
Hôm qua : 6.538
Tháng 01 : 47.891
Năm 2025 : 47.891
Tổng số : 84.004.824