Trò chơi dân gian: Kéo co
Kéo co không chỉ là một trò chơi dân gian mà còn là một môn thể thao mang tính tập thể cao và tinh thần thượng võ nên được nhiều người hưởng ứng.
Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống của nhiều dân tộc, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền.
Để chiến thắng, người chơi hay đội chơi cần có sức lực mạnh để kéo, trụ, nắm chặt dây và giật. Thể thức chơi của trò kéo co khá đơn giản, mỗi bên sẽ có số lượng bằng nhau. Hai đội sẽ nắm vào một sợi dây, thường là dây thừng và sợi dây này sẽ được đánh dấu bằng một vạch trung tâm giữa dây, ngoài ra một vạch cũng được đánh dấu trên mặt đất. Thông thường sẽ có một trọng tài phất cờ ra hiệu để hai bên thi đấu. Bên nào kéo được phần có đánh dấu trên sợi dây qua vạch thì bên đó thắng. Kéo co được tổ chức chơi theo đội, nhóm, các đội dự thi thành lập theo địa bàn cư trú theo hướng đông, tây, nam, bắc. Trong trò diễn, bao giờ phía đông (là phía mặt trời) cũng được thắng 3 lần, theo quan niệm chiến thắng có sự giúp đỡ của mặt trời, chiến thắng trở ngại, thiên nhiên, vì thế sẽ làm ăn được mùa.
Khi tiếng trống hội vang lên, mọi người sẽ vào vị trí để chuẩn bị thi. Tiếng trống lần thứ nhất vang lên báo hiệu lệnh chuẩn bị, tiếng trống lần thứ hai là vào cuộc. Lúc này, người đánh trống đánh liên hồi, thôi thúc các bên gia sức kéo về bên mình, người chỉ huy của đội miệng hô, tay phất cờ liên tục để động viên đội mình, nếu bên nào đối phương kéo giẫm vào vạch ở giữa hoặc tuột tay thì coi như thua cuộc. Kéo co thể hiện sự đoàn kết nam nữ và đoàn kết cả đội, đồng thời để rèn luyện sức khỏe.