Tết Độc lập
Hàng năm, đúng dịp Quốc khánh 2-9, tất cả người Mông không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo từ các bản gần xa trong huyện lại nô nức rủ nhau xuống thị trấn để tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ đã đem lại độc lập, tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người Mông nói riêng.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đối với người Mông đồng bào rất trân trọng và coi đó là Tết Độc lập của dân tộc mình. Từ khoảng cuối những năm 50 thế kỷ XX, vào những ngày này, người Mông treo nhiều cờ đỏ mừng Quốc khánh. Thanh niên ở các vùng núi cao xuống thị trấn chơi, thổi khèn, múa hát với nhau, nhận nhau là anh em, rủ nhau đi tâm tình thâu đêm. Đến sáng thì chia tay, hẹn nhau ngày này năm sau gặp lại. Chính vì vậy, Tết Độc lập còn có tên gọi là Tết Cờ đỏ sao vàng.
Tết Độc lập của người Mông kéo dài từ ngày 29-8 đến ngày 2-9, nhưng đông vui nhất là ngày 1-9. Để tới lễ hội, bà con người Mông phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Con trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn. Con gái thì diện rực rỡ áo váy, tay cầm đàn môi, leng keng nhạc ngựa xuống thị trấn. Sắc cờ đỏ thắm kỷ niệm ngày Tết Độc lập 2-9 hòa cùng sắc màu rực rỡ từ trang phục của bà con người Mông đã dệt nên bức tranh nhiều màu.
Tết Độc lập cũng như Tết năm mới, người Mông cũng làm lễ cúng mời ông bà tổ tiên. Các hoạt động vui chơi lành mạnh trong dịp Tết Độc lập của đồng bào dân tộc Mông diễn ra sôi nổi góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, củng cố tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước, niềm tin về Đảng, Bác Hồ kính yêu.