A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Gìn giữ nét đẹp văn hóa trong bữa cơm gia đình

(laichau.gov.vn)
Ngày nay, trong cuộc sống tất bật, mỗi người đều có nỗi lo riêng. Nếu xưa lo đủ ăn, đủ mặc, thì nay lo công việc ổn định, lo phát triển kinh tế…  Chính những nỗi lo ấy đã làm mất dần đi hình ảnh những mâm cơm gia đình quây quần đông đủ các thành viên. Chính vì vậy mà chủ đề của các hoạt động nhân Ngày gia đình Việt Nam 28/6 năm nay của tỉnh Lai Châu vẫn là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.

Bữa cơm gia đình của chị Đinh Thị Lý ở thành phố Lai Châu.

Nhớ lại những bữa cơm gia đình xưa

Theo lời kể lại của những người cao tuổi, thì bữa cơm trong gia đình xưa luôn được chú trọng. Chú trọng ở đây không phải là mâm cao, cỗ đầy, có đủ chất dinh dưỡng, nhiều món ngon, bổ dưỡng hay không, mà là thể hiện nét văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình người Việt và hàm chứa nhiều ý nghĩa to lớn. Nếu như phương Tây ăn cơm theo suất, thì người Việt ăn cơm theo mâm để thể hiện tính đoàn kết, chia sẻ ngọt bùi. Bữa cơm gia đình là nơi con cháu thể hiện lòng tôn kính, sự hiếu thảo với ông, bà, cha mẹ chỉ bằng những cử chỉ rất nhỏ như thưa gửi người lớn tuổi trước khi ăn, những món ngon thì phải nhường cho người lớn… Đặc biệt mời cơm là nét văn hóa không thể thiếu của người Việt. Người nhỏ tuổi hơn, trước khi ăn miếng cơm đầu tiên đều phải mời những người lớn tuổi, để tỏ lòng biết ơn ông bà, bố mẹ. Bên mâm cơm cũng là dịp mà người lớn dạy trẻ nhỏ thể hiện nếp văn hóa trong ẩm thực như: Không được quơ đũa bới thức ăn, không gõ đũa, muôi cơm vào chén, nồi… Các cụ thường có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”…

Trong mâm cơm gia đình xưa thường có mặt đông đủ các thành viên. Đây cũng là dịp để mọi người thể hiện tình cảm với nhau, đồng thời trao đổi những tâm tư, chia sẻ những chuyện xảy ra thường ngày. Mỗi bữa cơm là lúc tình cảm gia đình thêm đong đầy, ấm cúng, là lúc các thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Nhiều người lớn tuổi kể lại rằng, mỗi khi nghĩ về một bữa cơm quê là hình ảnh mâm được đặt ở giữa chiếu, ngoài hiên nhà, gió chiều thổi nhẹ nhàng, lòng người thoải mái, các thành viên trong gia đình nói cười rôm rả. Mâm cơm khi ấy thì dù chỉ có bát canh rau và vài quả cà muối nhưng ngon và ngọt đến lạ.

Bữa cơm gia đình ở Lai Châu

Khác với những phố thị sầm uất ở các tỉnh miền xuôi với bữa cơm xum vầy đã thưa dần đi theo thời gian, Lai Châu vẫn là một tỉnh miền núi với vẻ bình yên vốn có nên những bữa cơm trong mỗi gia đình vùng cao vẫn còn giữ được rất nhiều ý nghĩa với sự quây quần, ấm áp của các thành viên. Nét đẹp văn hóa trong bữa cơm gia đình của mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng chứa những nét riêng, độc đáo. Nếu như người miền xuôi thường sử dụng mâm bằng nhôm có hình tròn, thì các dân tộc bản địa ở Lai Châu thường sử dụng bàn gỗ hoặc mâm đan bằng mây, tre. Nhiều gia đình nơi đây vẫn có nhiều thế hệ cùng sinh sống, chính vì vậy mà mâm cơm gia đình cũng xum họp được rất đông đủ thành viên. Trong bữa cơm ấy, người phụ nữ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong chế biến các món ăn. Nơi ăn thường được được bố trí ở gần bếp. Khi có khách, đàn ông trong nhà thường tiếp khách ở gian ngoài thể hiện lòng hiếu khách của gia chủ. Miếng ăn ngon bao giờ cũng được dành cho người cao tuổi trong gia đình hoặc khách, trẻ nhỏ...

Nếu như trong mâm cơm của người Việt thường mang đậm hình ảnh của canh rau muống, dưa cà, nồi cá kho vùi trấu…; thì mỗi mâm cơm của mỗi dân tộc ở Lai Châu lại có những nét đặc trưng riêng. Nếu dân tộc Thái thường ăn xôi với cá nướng, thịt sấy, thì dân tộc Mông lại có món đặc trưng là thịt treo gác bếp, thắng cố, dân tộc Dao lại là món canh gà nấu gừng, dân tộc Giáy là món khẩu nhục… Điểm chung đặc biệt trong các mỗi bữa ăn ở gia đình miền núi là các gia vị được sử dụng khá phổ biến và không thể thiếu trong chế biến các món ăn đó là hạt mắc khén, thảo quả, hạt dổi, gừng… đó là những gia vị tạo nên hương vị riêng của các món ăn trong mâm cơm của người vùng cao. Không chỉ ở Lai Châu, mà nhiều dân tộc khác ở miền núi Tây Bắc ngoài bữa cơm của gia đình nhỏ xum vầy, thì họ còn quây quần bên những mâm cơm của gia đình lớn, ấy là khi mỗi độ xuân về, mỗi dịp Lễ hội, cả bản lại cùng nhau góp lợn, góp gà, cùng nhau nổi  lửa để nấu những món ăn ngon, cùng cầu mong cho một mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh. Vậy là trong những bữa cơm đại gia đình ấy tình làng, nghĩa xóm lại thêm bền chặt, đoàn kết.

Nhìn lại những nét văn hóa truyền thống trong bữa cơm của các dân tộc Việt, mỗi người như hiểu thêm được những ý nghĩa sâu xa, tốt đẹp và đều có liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày, hi vọng rằng văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt sẽ không bị mai một, mỗi người sẽ tiếp tục lưu giữ và truyền lại cho con cháu về những nét đầm ấm rất riêng mà chỉ trong bữa cơm của người Việt Nam mới có, để mỗi thành viên trong gia đình thấy yêu thương và gắn bó với nhau hơn.

Lê Khôi


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7
Hôm qua : 4.025
Tháng 12 : 125.642
Năm 2024 : 2.435.892
Tổng số : 83.901.985