A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia đình là nơi bình yên nhất để trở về

(laichau.gov.vn)
"Gia đình là nơi bình yên nhất để trở về"- Đó là chủ đề xuyên suốt mà các đội thi đã mang đến Hội thi Câu lạc bộ gia đình Hạnh phúc tỉnh Lai Châu lần thứ I/2017 vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/6. Mỗi đội thi có cách thể hiện, cách truyền thông khác nhau nhưng đều có thông điệp rõ ràng gửi tới khán giả. Đọng lại lớn nhất sau Hội thi là khán giả đã thực sự hài lòng và bày tỏ: Hội thi đã cho mỗi người tham dự những bài học về tình yêu, gia đình để qua đó ta biết trân trọng gia đình, người thân, cùng chung tay vun đắp gia đình hạnh phúc.

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đội tham gia Hội thi

Mang đúng tính chất mở màn cho Hội thi, đội thi đến từ Thành phố Lai Châu đã thể hiện phần chào hỏi một cách đầy ấn tượng. Cách diễn hóm hỉnh, hài hước, vận dụng nhân vật lịch sử trên nền nhạc hiện đại, đội thi đã nhận được sự tán dương, cổ vũ của đông đảo khán giả. Chủ đề mà đội mang đến là “vun đắp cho mái nhà thêm hạnh phúc” đã được khẳng định thêm với những số liệu cụ thể mà đội đưa ra. Tuyên truyền viên của đội cho biết, thành phố Lai Châu có 74/74 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Các câu lạc bộ hoạt động tự chủ với các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú, qua đó các thành viên học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng gia đình tiến bộ, no ấm, hạnh phúc. Nhiều các câu lạc bộ được nhận giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ đề vun đắp cho mái nhà thêm hạnh phúc” cũng được đội thi thành phố mang đến xuyên suốt trong các phần thi của mình.

Màn chào hỏi của đội thi thành phố Lai Châu

Không chỉ riêng đội thi thành phố, đội thi đến từ các huyện cũng có những màn chào hỏi được Ban tổ chức và khán giả đánh giá cao. Phần lớn các đội đã đưa ra những thông điệp: Nói không với bạo lực gia đình; Gia đình là bến đỗ bình yên cho mỗi người; yêu thương và chia sẻ... qua những vở kịch ngắn, những điệu múa; tấu hài..., lồng ghép là lời giới thiệu hóm hỉnh về đội thi, về kết quả xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình của địa phương.

Ở phần thi kiến thức, các đội sẽ bốc thăm bộ đề có các câu hỏi mà Ban tổ chức đưa ra cùng phần liên hệ thực tế. Giành được giải phụ phần trả lời kiến thức hay nhất, đội Tân Uyên đã chinh phục Ban tổ chức, Ban giám khảo và khán giả ở phần thi liên hệ thực tế với những số liệu và lời dẫn thuyết phục cùng với phần trả lời câu hỏi chuẩn xác, dễ hiểu, bám sát thể lệ cũng như hướng dẫn mà Ban tổ chức đã đưa ra. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoàng Thị Phai Nguyệt, đội thi huyện Phong Thổ cho biết: Đội chúng tôi đã cố gắng tập luyện với mong muốn mang đến hội thi thông điệp “Nói không với bạo lực gia đình”. Chúng tôi tập luyện dựa trên thể lệ, hướng dẫn của Ban tổ chức, nhưng qua phần thi trả lời kiến thức, tôi thấy năm nay các đội thi đều có sự chuẩn bị công phu và chu đáo nên đội chúng tôi sẽ thi hết mình trên tinh thần giao lưu học hỏi.

Được chờ mong nhất của Hội thi chính là phần thi tiểu phẩm bởi đây là những thông điệp mà các đội thi muốn gửi tới khán giả. Ban tổ chức đánh giá chất lượng tiểu phẩm của các đội tương đối đồng đều, diễn xuất tốt, chân thật, đời thường các đội thi đã khiến không ít khán giả rơi lệ. Phải kể đến là phần thi đến từ đội Mường Tè – Đội đã giành giải phụ “tiểu phẩm xuất sắc nhất”; đội Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường... Nếu đội Than Uyên thể hiện về mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu, anh chị em trong gia đình với tiểu phẩm “Lời ru của mẹ” thì đội Phong Thổ lại chọn thể hiện nội dung bạo lực gia đình với nỗi khao khát về một đứa con trai với tiểu phẩm “Hợp tác sản xuất”, hay đội thi Tam Đường với tiểu phẩm “Lá thư để lại” nói về việc người phụ nữ trong gia đình chịu cảnh bạo lực đến mức không thể chịu nổi đã lấy cái chết chứng minh sự trong sạch cũng như gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với mọi người... Mỗi tiểu phẩm thể hiện một lát cắt trong cuộc sống của gia đình hiện đại, trong sinh hoạt của gia đình trên bản vùng sâu, vùng xa; về cách ứng xử giữa mẹ chồng, nàng dâu, giữa vợ và chồng, anh chị em trong gia đình; xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm; hay về những vấn nạn của mỗi gia đình: bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục. Sau tất cả, các đội đều cho khán giả thấy được gia đình luôn là bến đỗ bình yên nhất cho mỗi người.

Tiểu phẩm "Lời ru của mẹ" của đội Than Uyên

Sau mỗi phần thi của các đội, những tràng pháo tay giòn giã chính là câu trả lời tốt nhất về hiệu quả mà Hội thi mang lại. Đã hơn 60 tuổi nhưng bà Sể Thị Lưu, tổ 9 phường Đoàn Kết hầu như chưa bỏ qua cuộc thi nào được tổ chức tại Rạp chiếu phim thành phố. Bà Lưu chia sẻ: Nhà ở gần nên có cuộc thi nào tổ chức tôi cũng đi. Mỗi cuộc thi đều có cái hay riêng, như cuộc thi này này, tôi thấy nó rất bổ ích. Các vở kịch thì nội dung phong phú, các cô chú diễn viên đóng rất có hồn, chân thật như những câu chuyện ngoài đời vậy. Tôi thấy mình cũng học hỏi được nhiều điều. Như nhà tôi đây có 3 thế hệ cùng sinh sống, để sống hòa hợp, yêu thương cũng là cả một vấn đề lớn. Tôi thì suy nghĩ đơn giản, mình sống tốt, đối xử tốt với các con thì các con nó cũng sẽ tốt với mình, không nên phân biệt đối xử con gái, con dâu, con trai với con rể, cháu nội hay cháu ngoại. Con nào, cháu nào cũng phải đối xử như nhau, yêu thương như nhau thì gia đình mới hạnh phúc bền chặt. Tôi thấy những Hội thi như thế này rất thiết thực, rất ý nghĩa và nên tổ chức thường xuyên vì gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt.

Ban tổ chức trao giải cho các đội tham gia Hội thi

Đánh giá về Hội thi, ông Trần Văn Chí, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết: Các đội thi đã có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo từ trang phục, nội dung, diễn xuất đến trả lời các câu hỏi. Điều đó thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương tới công tác gia đình. Tham dự Hội thi, các đội đưa đến nhiều nội dung phong phú, bám sát cuộc sống thực tiễn, thể lệ của Hội thi, cách thể hiện sáng tạo, thu hút khán giả. Hội thi là cơ hội để các đoàn thể hiện mình, học hỏi những cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động, trở về cơ sở thực hiện tốt hơn nữa công tác gia đình.

Hội thi kết thúc thành công đạt mục đích, yêu cầu đề ra, nhất là mục đích tuyên truyền tới Nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, Luật bình đẳng giới... Đây cũng là cơ sở để tỉnh Lai Châu thực hiện tốt hơn nữa công tác gia đình trên toàn địa bàn.

Ngày 21/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công Hội thi Câu lạc bộ gia đình Hạnh phúc tỉnh Lai Châu lần thứ I/2017. 8 đội thi đến từ 8 huyện, thành phố trong tỉnh đại diện cho trên 1.000 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc tỉnh Lai Châu tham dự Hội thi. Với 3 phần thi: Màn chào hỏi, phần thi kiến thức và phần thi tiểu phẩm, các đội thi đã mang đến nhiều thông điệp, qua đó tuyên truyền các chính sách, Luật về Bình đẳng giới, xây dựng gia đình tiến bộ, no ấm, xây dựng làng, bản văn hóa 5 không, 3 sạch; về cách ứng xử trong gia đình... một cách xuất sắc, được Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và khán giả đánh giá cao.

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao 8 giải, trong đó giải Nhất toàn đoàn thuộc về đội Tân Uyên; 2 giải Nhì cho đội Than Uyên và Tam Đường; 3 giải Ba cho đội Phong Thổ, Mường Tè và Thành phố Lai Châu; đội Sìn Hồ và Nậm Nhùn giành 2 giải Khuyến Khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải phụ: Màn giới thiệu hay nhất cho đội Thành phố Lai Châu; Trả lời kiến thức hay nhất cho huyện Tân Uyên và Tiểu phẩm xuất sắc nhất giành cho đội Mường Tè.

 

Nguyễn Chanh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 32
Hôm qua : 4.025
Tháng 12 : 125.667
Năm 2024 : 2.435.917
Tổng số : 83.902.010