A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh Lai Châu

(laichau.gov.vn)
Nhiều năm qua, việc nâng cao chất lượng dân số, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh luôn là một mục tiêu quan trọng được tỉnh Lai Châu chỉ đạo thực hiện trong các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch hành động mỗi năm. Từ năm 2013 tỉnh triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm kịp thời phát hiện những bệnh, tật bẩm sinh và các rối loạn chuyển hóa bất thường để có những biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời góp phần nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Người dân xã Nùng Nàng tìm hiểu tài liệu tuyên truyền dân số

Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại tỉnh Lai Châu được sự đầu tư của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Việc triển khai mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

Bà Lý Thị Thắng, Chi cục trưởng Chi cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu cho biết: Năm 2013 là năm đầu tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, căn cứ tình hình thực tế và kinh phí được giao Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình lựa chọn 7 xã thuộc 3 huyện (Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường) để triển khai thực hiện đề án. Các xã được lựa chọn triển khai thực hiện đề án là những nơi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị y tế đảm bảo cung cấp dịch vụ kỹ thuật sàng lọc, chuẩn đoán trước sinh và sơ sinh.

Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, Chi cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã cùng các địa phương thực hiện đề án đẩy mạnh công tác truyền thông dưới mọi hình thức tại tuyến xã, huyện, tỉnh và cung cấp sản phẩm truyền thông trên cơ sở các tài liệu, sản phẩm truyền thông mẫu do các Trung tâm khu vực cung cấp; tập trung cho nhóm đối tượng chính là các bà mẹ mang thai.

Đơn vị cũng tham mưu cho Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Phụ sản trung ương thực hiện hoàn thành lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông, tư vấn và kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh năm 2015 cho trên 30 cán bộ làm công tác Dân số, y tế trên toàn tỉnh.

Tại các địa phương thực hiện đề án, đơn vị phối hợp với các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh triển khai thực hiện dịch vụ kỹ thuật sàng lọc tại cơ sở. Quản lý chặt chẽ các đối tượng được tham gia sàng lọc sơ sinh, kịp thời thông báo kết quả sàng lọc kể cả âm tính và dương tính cho gia đình những trẻ được sàng lọc, tư vấn cho những gia đình có trẻ nghi ngờ dương tính qua kết quả sàng lọc sớm đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám, chữa và điều trị kịp thời.

Bà Lê Thị Phượng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nùng Nàng cho biết: Là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác truyền thông luôn được chúng tôi chú trọng thực hiện với hình thức, nội dung phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Chúng tôi cũng tập trung vào đối tượng phụ nữ mang thai để tuyên truyền về lợi ích của việc sàng lọc, chuẩn đoán trước sinh và sơ sinh, đồng thời hướng dẫn họ cách chăm sóc trong thời kỳ thai kỳ để sinh con khỏe mạnh...

Tính từ khi triển khai đề án, tỉnh Lai Châu đã thực hiện 628 ca lấy mẫu máu gót chân và gửi mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh về Bệnh viện Phụ sản trung ương để thực hiện kỹ thuật sàng lọc. Trong đó có 517 mẫu đạt, tỷ lệ mẫu bị hỏng khi chuyển về Trung tâm chẩn đoán trước sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã được khắc phục để hạn chế đến mức tối đa (chiếm 0,5% tổng số mẫu gửi đi). Qua sàng lọc chẩn đoán phát hiện 28 mẫu có kết quả nghi ngờ dương tính với bệnh thiếu men G6PD, 1 mẫu có kết quả nghi ngờ với bệnh suy giáp trạng bẩm sinh. Từ kết quả đó, Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình phối hợp Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm y tế huyện thông báo kết quả chẩn đoán tới gia đình những trẻ có nghi ngờ dương tính qua sàng lọc, tư vấn cho gia đình sớm đưa trẻ tới các cơ sở Y tế để tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị.

Ngoài thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thì Mô hình Tan máu bẩm sinh (thalassemia) được triển khai hoạt động tuyên truyền tại 4 huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên và duy trì triển khai tại 14 xã. Tích cực tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về nguyên nhân, hậu quả, cách phòng bệnh thalassemia, vận động người dân tham gia xét nghiệm máu để sàng lọc người mang gen bệnh thalassemia; tư vấn, vận động tránh kết hôn giữa hai người cùng mang gen bệnh. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp can thiệp làm giảm tỷ lệ tan máu bẩm sinh ở cộng đồng người dân tộc thiểu số góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Theo bà Lý Thị Thắng, các xã được lựa chọn để triển khai thực hiện mô hình thalassemia là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đơn vị đã phối hợp cùng Trung tâm y tế các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động dưới mọi hình thức: tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở và các cơ quan báo chí trung ương, của tỉnh; Tuyên truyền vận động trực tiếp, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về phòng bệnh thalassemia.

Tuy đã được sự quan tâm của các cấp, ngành trung ương và địa phương, nhưng thực tế chất lượng dân số của tỉnh vẫn chưa cao do thực trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết vẫn còn nhiều. Vì vậy từng bước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa là việc làm cần thiết, trọng tâm mà các cấp, ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh phối hợp thực hiện. Cùng với đó, Chi cục Dân số -  Kế hoạch hóa gia đình rất mong được bổ sung nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Lan Anh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 117
Hôm qua : 6.411
Tháng 12 : 175.446
Năm 2024 : 2.485.696
Tổng số : 83.951.789