• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cúng Then trong Lễ hội Then Kin Pang – Ý nghĩa tâm linh của đồng bào dân tộc Thái Lai Châu

(laichau.gov.vn)
Mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và không có yếu tố mê tín dị đoan, có tính cộng đồng cao, vun đắp tình đoàn kết, phần lễ cúng Then trong Lễ hội Then Kin Pang của đồng bào dân tộc Thái huyện Phong Thổ đã trở thành linh hồn của buổi lễ. Sau khi được phục dựng, Lễ hội Then Kin Pang đã trở thành lễ hội truyền thống được tổ chức thường kỳ vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, thu hút hàng nghìn lượt người trong và ngoài tỉnh đến tham dự với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa, sức khỏe, may mắn.

Cúng Then trong Lễ hội Then Kin Pang huyện Phong Thổ

Theo truyền thuyết của dân tộc Thái trắng được những người già kể lại thì các vị Then ở trên trời đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cỏ cây, con người. Vì vậy vua trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Ai đau ốm thì được Then cho thuốc, người nào gặp rủi ro, vận hạn thì Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, bản làng yên vui no ấm.

Để cảm ơn các vị Then, ngày 10/3 âm lịch hàng năm trở thành ngày mà Nụ liệng - Nụ hương (tức là những người con nuôi được Then cầu hồn, chữa bệnh) dâng lễ tạ ơn Then. Ở Phong Thổ, người làm Then (cúng Then) thường ở trong gia đình có truyền thống làm Then. Ngay từ khi nhập nghề và hành nghề, họ phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện gian khổ, vất vả trong nhiều năm: Học khấn, đàn, thuộc hàng ngàn câu hát; biết hát then, hát mạng, hát xao xên theo hành trình lễ hát khấn cầu. Trên thực tế, người làm Then là những người có tài học truyền khẩu các bài thơ, các bài hát, làn điệu trong then, có năng lực ứng tác trong thơ ca, thuần thục phần nhạc đệm của cây đàn tính tẩu.

Bà Mào Thị Chỏn, xã Khổng Lào được tín nhiệm chọn làm Then đã 10 năm nay. Bà Chỏn cho biết: Trước khi làm Then tôi đã làm Sao Chậu từ những năm 1967, 1968. Vừa làm Sao Chậu, vừa xem các lễ Then nên tôi nghe rồi thuộc những câu hát mẹ truyền cho. Làm Then sẽ được trời ban cho sức khỏe, nhiều may mắn nên bây giờ đã 64 tuổi mà tôi vẫn còn minh mẫn và mạnh khỏe lắm.

Người Thái Lai Châu có câu: Bó pục púng Then cả - Bó mạ púng Then sương, có nghĩa là: Hoa bưởi nở Then sướng - Hoa Bó mạ nở Then vui. Vì vậy, việc trang trí bàn thờ Then trong Lễ cúng Then không thể thiếu các loại hoa nhiều màu sắc, nhất là loài hoa Bó mạ. Loài hoa này được xem là biểu tượng của Then Kin Pang – có hoa Bó mạ mới có ngày hội Then.

Bàn thờ của Then được lau dọn và trang trí từ nhiều ngày trước đó với các loại hoa và các hình giấy được cắt khéo léo các con vật: én (biểu tượng của mùa xuân sinh sôi, nảy nở), lợn, trâu, gà... Mâm lễ vật dâng cúng Then gồm có một con lợn, một con gà luộc để nguyên con, xôi nếp, rượu, nước... Các lễ vật cúng đã thể hiện sự đầy đủ của vạn vật cỏ cây hoa lá, để báo hiệu một năm mới no đủ, tươi mới đã về. Ngoài ra, trước khi tiến hành nghi lễ cúng Then, người ta còn chuẩn bị một mâm lễ với một con gà và xôi để cúng Thổ công ở ngoài trời và một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng Mường; tạ ơn những vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ Mường.

Trước bàn thờ Then là mâm đồ lễ, mâm lễ này được dùng để mời Then xuống trần gian vui chơi với các Sao Chậu, với bà con trong bản. Trước đây, mâm lễ bao gồm: đồng bạc trắng, khăn xòe, lá trầu không, trứng gà sống, gạo, bát tô sứ, hương, chùm chuông tượng trưng cho chuông ngựa, hoa trung quân, cây nến nhỏ, đĩa, chén, gói gạo, gói muối, rượu, bát nước, điếu cày, đĩa trầu, cuộn vải dệt trắng lớn; vật dụng của chủ lễ: kiếm, vòng bạc, đĩa để đồng tiền âm dương, sừng nai, lưỡi rìu đá (lưỡi búa thần sét), viên đá nhỏ dài (chân ngựa), viên đá bé (Then nọi - Then bé), túi ngọc bùa, đồng tiền âm dương, chùm chuông đồng, đàn tính, khăn phủ đầu gối, áo, khăn đội đầu, thắt lưng, quạt giấy, răng nanh lợn rừng, gương nhỏ; lễ vật cho ngựa các quan Then mường Trời: răng nanh lợn rừng, thóc, bát tô sứ, gạo, trứng gà, thóc, hoa trung quân, hoa dâm bụt, chiếc sọt nhỏ (tẻ) bày lễ. Nhưng hiện nay, mâm lễ thường được chuẩn bị đơn giản hơn chỉ bao gồm gạo, rượu, trứng sống, lá trầu không, chùm chuông, đĩa, chén, cuộn vải trắng và các vật dụng của bà Then.

Đông đảo Nhân dân tới xem Lễ hội Then Kin Pang

Trong 3 ngày trước lễ và trong ngày làm lễ, bà Then kiêng kị không ăn thịt các con vật; các cô gái được chọn làm Sao Chậu phải có sắc đẹp, phải biết múa đẹp, múa dẻo và chưa chồng để hầu hạ các Then, các vị thần xuống trần gian vui chơi.

Bước vào hành lễ, bà Then mặc trang phục của Then, tay đánh đàn tính tẩu trông uy nghi như một vị tướng, vừa hát, vừa đánh tính tẩu. Bên cạnh Then còn có hầu nước, hầu nhạc. Những hành động dâng hoa, dâng lễ, mời rượu, cùng những lời diễn xướng của Then như đối thoại được với các đấng thần linh tối cao trên trời. Con người đã làm cho thiên nhiên say đắm. Với lối hát Then truyền thống, như kể, xin, bà Then cầu cúng cho bà con trong bản, trong xã những điều tốt đẹp, luôn khỏe mạnh, no ấm, cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt. Trong khi bà Then cúng thì mọi người thường thắp hương lên bàn thờ Then cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, gia đình hạnh phúc. Kết thúc phần lễ, Then và các Sao chậu múa điệu “Quát bó héo” có nghĩa là quét hoa tàn: “Hoa héo hoa về gốc; Hoa úa hoa về thân; Tất cả cây cối chết trơ; Nhưng hoa vẫn nảy mầm”. Lời bài hát như niềm tin vào sự luân hồi bất diệt. Con người chết đi không phải là chết mà vẫn còn tiếp tục sống ở thế giới mới, cũng như những bông hoa kia héo tàn lại trở về với thân, cây lại đâm chồi nảy lộc.

Lễ Kin Pang Then là lễ hội truyền thống có từ lâu đời mang ý nghĩa tâm linh to lớn đối với đồng bào dân tộc Thái nói chung, đồng bào Thái ở Lai Châu nói riêng. Không chỉ vậy, thông qua Lễ hội đã bảo tồn, nuôi dưỡng và duy trì nghệ thuật hát then, hát dân ca, múa xòe, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, tri thức bản địa và các tín ngưỡng tâm linh cổ, góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam./.

Chanh Nguyễn


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.397
Hôm qua : 4.036
Tháng 05 : 99.695
Năm 2025 : 848.484
Tổng số : 84.805.417