Người giữ hồn những điệu “dân vũ” Thái
![]() |
Tuần nào cũng vậy, cứ ngày thứ 7 và chủ nhật là nhà bà Lý Thị Lả Phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu lại rộn lên tiếng nhạc tính tẩu, tiếng lắc rộn ràng của quả “má sáo” (tiếng địa phương). Ngắm nhìn bước chân nhịp nhàng, uyển chuyển của từng thành viên đội múa, chẳng ai có thể tin được hầu hết các bà đã đều ở cái tuổi “ngũ tuần”, nhưng tình yêu, lòng nhiệt huyết, cái “máu” yêu văn nghệ trong các bà vẫn như đang ở cái tuổi thanh xuân.
Đội múa mà chúng tôi đang nói đến là đội văn nghệ phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu. Đội văn nghệ ấy được thành lập từ năm 2000 với những đóng góp to lớn của bà Lý Thị Lả. Với mong muốn lưu giữ lại những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trong các điệu múa, bà đã vận động, gây dựng và duy trì đội văn nghệ chỉ bằng “tình yêu” đã được 12 năm nay.
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Phong Thổ (cũ), ngay từ bé bà đã rất thích đi xem các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là niềm say mê những điệu múa thái cổ. Lần nào đi xem về bà cũng tưởng tượng và múa lại theo các chị, các cô. Năm 1979, bà trở thành cô giáo và vẫn luôn tích cực tham gia những hoạt động văn hóa văn nghệ của nhà trường. Nhưng phải đến khi về hưu, bà mới có thời gian để làm một điều gì đó góp phần lưu giữ lại những điệu “dân vũ” của dân tộc mình đang từng ngày mai một.
Trước thực trạng thế hệ trẻ hiện nay không mấy gắn bó với nền văn hoá cội nguồn, bị cuốn hút bởi những trò chơi giải trí thiếu lành mạnh, hơn nữa, chương trình sinh hoạt Đoàn, hội, đội ở nhà trường, cũng như ở địa phương sinh sống thì vắng bóng các tiết mục hát múa dân ca Thái… Bà đã triệu tập những người cùng thời, cùng lứa tuổi, nhiều lòng nhiệt huyết và gây dựng lên đội văn nghệ thị trấn Phong Thổ (nay là đội văn nghệ phường Đoàn Kết).
Bà Lý Thị Lả tâm sự: “Đội văn nghệ được thành lập ra, nhưng còn gặp nhiều khó khăn như: Chi phí cho các hoạt động tập luyện, thuê trang phục biểu diễn, đầu tư cho nhạc cụ dân tộc là không có… Trước những khó khăn đó, tôi đã phải động viên các anh, chị em trong đội “có cái gì, dùng cái đó”, sau mỗi lần biểu diễn giao lưu, số tiền thù lao nho nhỏ được bổ sung vào quỹ và thuê trang phục…”.
Điều quan trọng là bà đã truyền lại cho mỗi thành viên trong đội một tình yêu, biến những khó khăn về vật chất thành động lực. Từ đó, mỗi buổi tập văn nghệ trở thành một buổi sinh hoạt văn hóa, để chị em có thể quên đi những ưu phiền, nặng nhọc trong cuộc sống, để hòa mình vào những âm thanh rộn rã của điệu “Ing lả ơi”. Nhờ vậy, hoạt động của đội được duy trì thường xuyên trong 12 năm.
Bà Lý Thị Lả (người bên phải) dạy múa cho thành viên mới của đội
Để các điệu “dân vũ” Thái sống lại trong thế hệ trẻ
Cùng với dòng chảy của thời gian, sự phát triển của xã hội hiện đại. Những điệu múa Thái cổ không còn lôi cuốn, hấp dẫn thế hệ trẻ như trước đây. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để vừa lưu truyền lại nét văn hóa độc đáo của dân tộc Thái cho thế hệ trẻ, lại vừa tạo ra sự mới mẻ, sáng tạo trong các điệu múa của dân tộc mình, tránh đi sự nhàm chán. Bà Lý Thị Lả đã đi sâu tìm hiểu, học hỏi thêm các nền văn hóa khác trong cộng đồng và sự khác nhau trong nét văn hóa ở mỗi vùng miền... rồi biên đạo những điệu múa mới có sự nâng cao về động tác, đổi mới trong làn điệu, những điệu múa ấy vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn không mất đi những giá trị văn hóa cội nguồn. Không chỉ vậy, bà Lả còn đứng ra tổ chức các cuộc giao lưu giữa các đội văn nghệ trong và ngoài tỉnh, mời cả những đội múa Thái cổ của những người cao tuổi để giao lưu, học hỏi và để cho thế hệ đi sau có thể cảm nhận được tình yêu và những nét độc đáo cần phải lưu giữ của dân tộc mình.
Bà Lò Thị Luông – năm nay 75 tuổi |
Bà Lò Thị Luông – năm nay 75 tuổi ở phường Tân Phong, thị xã Lai châu, là một thành viên kỳ cựu của đội múa Thái cổ. Bà tâm sự: “Tôi cảm thấy rất lo lắng khi đến một ngày các nghệ nhân tuổi ngày càng cao, trí nhớ ngày càng kém thì những điệu múa Thái sẽ không còn ai biết đến, vì ngày nay các cháu thanh, thiếu niên đã không còn yêu thích những điệu múa dân gian này nữa. Chúng tôi rất yêu quý Bà Lả, là thế hệ tiếp nối chúng tôi đã cố gắng lưu giữ những nét văn hóa truyền thống lại cho con cháu.”
Với tâm huyết của mình, năm 2010 bà Lả đã đến từng nhà và vận động con em người dân tộc Thái để thành lập một đội văn nghệ trẻ. Nhưng bà đã rất buồn khi hầu hết các cháu đều từ chối bởi tập luyện không có thù lao, hoặc không có thời gian… Thiết nghĩ, thế hệ trẻ ngày nay thực dụng quá, nhưng câu nói “có thực mới vực được đạo” cũng không sai. Những năm gần đây, các phong trào như hội diễn văn hoá, văn nghệ dân gian, múa hát dân ca, các chương trình văn nghệ quần chúng... được tổ chức là những cố gắng để khơi dậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số, song để các điệu múa dân gian của dân tộc Thái sống mãi và được lưu truyền trong thế hệ trẻ cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành để công cuộc xây dựng bản làng văn hoá, thực hiện nếp sống mới và lưu truyền những nét văn hóa đặc sắc trên quê hương Lai Châu ngày một phát triển.
ĐL