Vui xuân trảy hội Gàu tào cha
|
Năm nay, Lễ Hội Gàu tào cha được xã Nậm Loỏng tổ chức vào ngày 15 tháng 1 âm lịch (tức là ngày 06 tháng 2, dương lịch). Đây là một Lễ hội thờ thần núi, thần rừng, đồng thời biểu đạt sự khát vọng ấm no, hạnh phúc, mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối xanh tươi và thể hiện tấm lòng của con cháu nhớ về cội nguồn.
Lễ hội Gàu tào cha gồm 2 phần chính là phần Lễ và phần Hội.
Phần Lễ, thầy cúng là người đại diện cho nhân dân trong xã dâng lễ vật lên thần núi, thần rừng, nhờ sự che chở của các thần linh để giúp gia đình, làng bản sức khoẻ dồi dào, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, con cái khoẻ mạnh, học hành giỏi giang…
Thầy cúng dâng lễ vật lên thần núi, thần rừng
Theo ông Giàng A Tủa – Chủ tịch UBND xã Nậm Loỏng, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội: “Lễ hội Gàu Tào Cha đã có từ rất lâu song do ảnh hưởng của sự mưu sinh cuộc sống, sự du nhập của một số loại hình văn hóa khác nên thời gian qua một phần Lễ hội đã bị mai một. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thị xã Lai Châu, Lễ hội Gàu tào cha đã từng bước được khôi phục nhằm duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Mông, góp phần động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất thâm canh tăng vụ, xóa đói giảm nghèo và làm giầu chính đáng, thực hiện thắng lợi nghị quyết của các cấp ủy Đảng.”.
Phần Hội mở đầu bằng những tiết mục văn nghệ
Bắt đầu phần hội, nhiều tiết mục văn nghệ dân tộc, cuộc thi, trò chơi bổ ích, lý thú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông được tổ chức như thi giã bánh giày, tù lu, kéo co, đẩy gậy, leo cột, đu quay, chọi trâu... Hội Gàu tào năm nay thực sự hấp dẫn, không chỉ là nơi để thanh niên nam nữ trổ tài, gặp gỡ, tâm sự, tìm hạnh phúc lứa đôi; mà còn là nơi phát triển mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng. Lễ hội góp phần làm cho diện mạo của đời sống văn hoá Mông thêm sinh động và phong phú.
Cây nêu - trung tâm của Lễ hội Gàu tào cha
Trò chơi Tù lu
Thi giã bánh dầy
Thi chọi trâu
Phần thi kéo co
Trẻ con diện quần áo đẹp nhất, háo hức chơi Hội.
Đinh Lan