A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Lai Châu: Hội nhập và phát triển

(laichau.gov.vn)

Những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã mạnh dạn đầu tư; tích cực nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất; tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; quan tâm nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp chất lượng nguồn nhân lực để tạo ra những sản phẩm dịch vụ có giá thành phù hợp, tạo sức cạnh tranh, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường... Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội như tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách địa phương.


Dây chuyền sản xuất tôn mát 3 lớp hiện đại của Công ty TNHH Thủy Nam.

 

 

 

Với xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có những sản phẩm chất lượng với mẫu mã đa dạng, phong phú để đáp ứng nhu cầu của người dân và cạnh tranh được với các đơn vị khác cùng lĩnh vực. Thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh trong các ngành mang tính ổn định lâu dài... Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy Nam, tổ 5, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất tôn mát 3 lớp lấy tên thương hiệu độc quyền tại Lai Châu là P.U Thủy Nam. Ngoài sản xuất tôn mát 3 lớp, Công ty đã cung cấp thêm một số vật liệu xây dựng như: Gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh... góp phần cung ứng vật liệu xây dựng cho nhu cầu người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong hoạt động kinh doanh phân phối hàng tiêu dùng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Nông nghiệp Quang Nguyễn, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu là một trong những công ty lớn tại tỉnh. Trung bình mỗi năm, đơn vị đã cung cấp hơn 1.500 sản phẩm của 30 đơn vị sản xuất có tiếng của Việt Nam đến với người tiêu dùng trong tỉnh. Các dòng sản phẩm của đơn vị có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng. Chị Lưu Thị Tâm - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Nông nghiệp Quang Nguyễn cho biết: Chúng tôi luôn đặt “lợi ích khách hàng” lên hàng đầu, bởi vậy chúng tôi luôn chọn những nhà cung cấp các mặt hàng tiêu dùng uy tín trên thị trường để mang những sản phẩm tốt nhất nên được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng. Vẫn biết đưa được hàng tiêu dùng lên vùng cao để tiêu thụ rất khó khăn, đối mặt với những rủi ro lớn về đường xá đi lại, sức mua của bà con còn hạn chế… nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Hàng năm, Công ty đã tổ chức đưa hàng Việt đến với các xã vùng cao biên giới như: xã Mường Tè (huyện Mường Tè), Dào San (huyện Phong Thổ), Khun Há (huyện Tam Đường), Ta Gia (huyện Than Uyên),... Qua đó, góp phần cung ứng hàng tiêu dùng phục vụ người dân các xã, huyện trong tỉnh và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 lao động người địa phương, với mức lương từ 6 - 25 triệu đồng/người/tháng... 

Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 1.225 doanh nghiệp đang hoạt động có kê khai thuế, trong đó có 1.180 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 96%; các doanh nhân trẻ làm chủ doanh nghiệp chiếm khoảng 60%. Chủ yếu các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp xây dựng (78%), thương mại du lịch (18%). Các doanh nghiệp trên địa bàn mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế là do những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để tạo đà cho doanh nghiệp ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như chính sách hỗ trợ thuê đất, thuế, những ưu đãi trong hỗ trợ đầu tư như đào tạo lao động, bồi thường giải phóng mặt bằng, phát triển thị trường, khoa học công nghệ... Đồng thời, thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lai Châu để giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu; kiện toàn Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lai Châu để làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan chức năng trong mọi mặt hoạt động.

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nhân; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững; bảo đảm cho từng doanh nhân trở thành những chiến sĩ xung kích, tiên phong trên mặt trận thương mại sản xuất kinh doanh và cung cấp các dịch vụ tiện ích cho cộng đồng. Qua đó, Lai Châu đã xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trẻ đông đảo, từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu trở thành hệ thống doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Sự đồng hành của tỉnh là điểm tựa để các doanh nghiệp bứt phá, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,51%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 36,35 triệu đồng, vượt kế hoạch 1,11 triệu đồng; giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 15 triệu USD, vượt 34,1% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,8%/năm, vượt kế hoạch... Năm 2019, dự ước có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 35 xã.

Đồng chí Nguyễn Quang Huy -  Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2019, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nộp cho ngân sách ước khoảng 1.200 tỷ đồng; chiếm 55% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho 7.360 lao động với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hàng năm cộng đồng doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như xây nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ dân kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Để tiếp tục phát huy bản lĩnh của doanh nghiệp địa phương, trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, điều hành; chú trọng đổi mới công nghệ và rà soát, cải tiến quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất hoạt động, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng hơn đến việc hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tạo sức mạnh trong phát triển sản xuất, kinh doanh để hội nhập; tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp thành công; chú trọng tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Tác giả: Ngọc Sánh
Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.574
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 133.928
Năm 2024 : 805.518
Tổng số : 82.271.611