• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo sạt lở đất trên phạm vi tỉnh Lai Châu và những điều cần biết về sạt lở đất

(laichau.gov.vn)

Vào thời điểm 6 giờ 30 phút sáng nay (3/7), tại khu vực km12 Tỉnh lộ 130 (San Thàng - Thèn Sin - Mường So) có xảy ra sạt lở ta luy dương làm vùi lấp 1 công dân đi đường, hiện người bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Lai Châu, do trong những ngày qua mưa nhiều, đất đã đủ ngấm và trở nên bở, nhão, nguy cơ sạt lở đất xảy ra tại một số nơi thuộc tỉnh Lai Châu, vì vậy người dân cần chủ động phòng, tránh.

Các lực lượng tiến hành cứu giúp người gặp nạn tại km12 Tỉnh lộ 130 (San Thàng - Thèn Sin - Mường So).

Thông tin thiên tai và cảnh báo

Theo thông tin nhanh từ UBND huyện Tam Đường báo cáo: Vào thời điểm 6 giờ 30 phút sáng nay (3/7) tại khu vực km12 Tỉnh lộ 130 (San Thàng - Thèn Sin - Mường So) có xảy ra sạt lở ta luy dương với chiều dài khoảng 30m dọc theo đường. Sạt lở làm vùi lấp 1 công dân đi đường, hiện tại xã và huyện đã đưa người bị thương đi cấp cứu, đồng thời đang tìm kiếm xe máy. Thông tin người bị thương: Lò Thị Châu, sinh năm 1966, hộ khẩu tại bản Lở Thàng 1, xã Thèn Sin. 

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình người bị thương. Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huy động các đơn vị thi công khẩn trương thực hiện hót, dọn sụt, sạt trên tuyến đường. Đến thời điểm 10 giờ 40 phút (ngày 3/7), tuyến đường Tỉnh lộ 130 đã thông đường.

Lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp để thông đường.

Cũng theo cảnh báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Lai Châu lúc 9 giờ 30 phút ngày 3 tháng 7 năm 2020: Trong 6 giờ qua (từ 1 giờ đến 7 giờ ngày 3/7) trên khu vực tỉnh Lai Châu có mưa to, luợng mưa đo được tại Mù cả 79mm, Thu Lũm 57mm; Ma Ký 50.6mm; Nậm Giàng 40mm, Bản Lang 32.2mm… Nhận định trong những giờ tới, khu vực tỉnh Lai Châu vẫn tiếp tục có mưa rào và dông, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 30 - 40mm, có nơi trên 50mm.

Do trong những ngày qua mưa nhiều, đất đã đủ ngấm và trở nên bở, nhão. Trong những giờ tới, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra tại một số nơi thuộc tỉnh Lai Châu. Cụ thể, nguy cơ sạt lở đất cao tại các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường; nguy cơ sạt lở đất trung bình tại các huyện: Nậm Nhùn, Than Uyên, Tân Uyên và Thành phố Lai Châu. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Ảnh mây dự báo 72 giờ từ 1 giờ ngày 1/7/2020.

Những thông tin cần biết về sạt lở đất

Sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy.

Dấu hiệu: Mưa nhiều ngày, mưa lớn; vết nứt tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, nước sông, suối từ trong chuyển thành màu nước đục; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất.

Những việc nên làm: Theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có những dấu hiệu kể trên. Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Cần bảo vệ tính mạng trước tiên; chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường.

Những điều nên tránh: Không được đi qua và lại gần quanh khu vực sạt lở đất. Không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường như nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần. Không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh.

Việc nên làm thường xuyên: Thường xuyên theo dõi tin tức trên báo, đài và ti vi về các đợt mưa lớn, kéo dài, nguy cơ sạt lở đất cao. Tìm hiểu xem ở khu vực gần nhà mình đã từng xảy ra sạt lở đất chưa, chủ động quan sát các dấu hiệu sạt lở đất; kịp thời báo cáo chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu sạt lở đất. Hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh cần thiết. Gia cố nhà cửa, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ. Chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng... ; trồng cây, bảo vệ rừng để giảm thiểu nguy cơ sạt lở đất...


Tác giả: Duy Đức
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.032
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 193.862
Năm 2024 : 865.452
Tổng số : 82.331.545