• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Lai Châu viết tiếp hành trình mang tên:

“CUỘC CÁCH MẠNG TÌNH NGƯỜI”

(laichau.gov.vn)

Những ngày này, từ vùng cao, biên viễn xa xôi cho đến những thôn xóm nơi đồng bằng của cả nước đang sục sôi trong làn sóng cải cách – một cuộc cách mạng toàn diện về tinh gọn và sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Trong dòng chảy đổi mới ấy, bên cạnh những việc cấp thiết, cần phải làm ngay, thì công cuộc xoá nhà tạm, nhà dột nát, giúp người nghèo có được chốn nương thân vững chãi được Lai Châu đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Những căn nhà mới khang trang mọc lên không chỉ từ gạch, ngói, mà còn từ sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Sự sẻ chia, yêu thương và tinh thần cộng đồng mạnh mẽ đã biến giấc mơ, khát khao có nhà mới của những hộ nghèo ở nơi phên dậu Tổ quốc thành hiện thực, là minh chứng sinh động viết tiếp hành trình mang tên “Cuộc cách mạng tình người”. Đây chính là thành quả ngọt lành kết tinh từ tâm huyết và lòng nhân ái để Lai Châu chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và đặc biệt, mở ra cuộc sống mới cho người dân nghèo với niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng.

Trên rẻo cao Tây Bắc, cuộc sống người dân còn chất chứa gian nan, những ngôi nhà tạm bợ, xiêu vẹo giữa mưa nắng vẫn là hình ảnh quen thuộc của biết bao gia đình nghèo nơi đây. Có những ngôi nhà không đủ kín để che mưa, cũng chẳng đủ ấm để chống lại cái lạnh cắt da thịt mỗi khi đông về, đặc biệt họ phải đối mặt với biết bao hiểm hoạ khó lường khi sống trong chính ngôi nhà của mình.

Phận nghèo giữa đại ngàn…

Vượt qua những cung đường uốn lượn dài hơn 60km từ thành phố Lai Châu, chúng tôi đến xã Phăng Sô Lin thuộc huyện Sìn Hồ. Nơi đây, có gần 20 hộ nghèo được hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát. Tìm đến gia đình chị Phùng Quan Mẩy ở bản Phăng Sô Lin thuộc diện hộ nghèo đã chục năm nay. Căn bếp nhỏ với mái lợp fibro xi măng bạc màu, được chống đỡ bằng vài cột gỗ thô sơ là nơi sinh hoạt của ba mẹ con chị suốt thời gian qua.

Ngồi trò chuyện với chị, chúng tôi được biết, ba năm trước, chồng mất, một mình chị Mẩy phải gồng gánh nuôi ba đứa con thơ, trong đó con gái lớn năm nay 16 tuổi, mắc bệnh tâm thần, đang được gửi đi điều trị; con trai thứ hai 14 tuổi, chẳng may gặp tai nạn từ khi còn nhỏ, sức khỏe cũng không bình thường và cậu út mới 12 tuổi, vẫn đang tuổi ăn tuổi học. Để có tiền trang trải cuộc sống, chữa bệnh cho con gái, chị Mẩy đi làm thuê theo ngày ở xa. Bao vất vả, lo toan đều dồn lên đôi vai gầy của chị. Có lẽ thế mà gương mặt chị trông già nua, u buồn hơn vì sương gió khi mới ngoài 40 tuổi. Còn cậu con út Chẻo A Phàn bất đắc dĩ trở thành trụ cột mỗi khi mẹ vắng nhà; là người mỗi ngày nấu từng bữa cơm, giặt từng bộ quần áo cho người anh trai không khỏe mạnh. Bữa cơm đạm bạc chỉ có ít rau và đậu phụ, chúng tôi càng xót xa hơn cho gia đình của mẹ con chị Mẩy. Một ngôi nhà khang trang, vững chãi là mơ ước của chị Mẩy bấy lâu nay. Chị Phùng Quan Mẩy chia sẻ: Gia đình tôi nghèo quá, khó khăn lắm, chẳng có gì, nhà ở cũng dột nát, con cái bị bệnh. Tôi mong có được ngôi nhà mới để các con có chỗ ở đàng hoàng, tôi có động lực đi làm nuôi các con, chữa bệnh cho chúng.

Rời bản nhỏ Phăng Sô Lin, chúng tôi tiếp tục hành trình đến bản Sùng Phài, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu để tìm hiểu về những hoàn cảnh khó khăn cần được xoá nhà tạm, nhà dột nát. Được trưởng bản Chẻo Páo Lù nhiệt tình chỉ đường đưa chúng tôi đến nhà chị Phàn Xuân Mẩy. Căn nhà gỗ của mẹ con chị Mẩy nằm vắt vẻo giữa lưng chừng núi. Gọi là nhà cho sang, thực tế chỉ là chiếc lán nhỏ, rộng tầm 20m2 được ghép lại từ những tấm gỗ thô sơ qua thời gian đã bị o ép, co lại, để lộ ra các khoảng trống lớn. Ước mơ lớn nhất của chị là có một căn nhà vững chãi, kiên cố để không phải thức dậy giữa đêm vì rét.

Số phận của chị Phàn Xuân Mẩy cũng chẳng khá hơn so với chị Phùng Quan Mẩy ở bản Phăng Sô Lin. Chị lấy chồng bên xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) nhưng rồi chồng chị sa đà vào ma túy, đánh đập, đuổi vợ con ra khỏi nhà. Uất ức, chị ôm 2 đứa con nhỏ về nương nhờ anh chị em bên ngoại; mượn mảnh đất của chị gái dựng tạm lán nhỏ để 3 mẹ con có chỗ nương thân, sống qua ngày. Mỗi ngày chị làm lụng vất vả, ai thuê gì làm nấy; đến mùa, chị mượn đất của người thân trồng sắn, trồng ngô, thế nhưng sự tần tảo, lam lũ ấy cũng chỉ giúp chị đủ nuôi các con ăn học. Chị Phàn Xuân Mẩy - Bản Sùng Phài, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho biết: Cũng nhờ anh chị giúp đỡ tôi làm được cái lán ở tạm, nhiều lúc đêm mưa gió, 3 mẹ con cũng không dám ngủ, ngồi chờ gió qua đi. Bây giờ hoàn cảnh khó khăn, không có đất, không có gì làm ăn, phải đi làm thuê. Hai đứa nhỏ cũng đang đi học, nhiều lúc không có tiền đóng học phí, thầy cô cũng biết hoàn cảnh khó khăn nên thầy cô thông cảm cho, khi nào có tiền thì đóng, một mình nuôi con cảm thấy cuộc sống khó khăn quá.

Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đang sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát, thậm chí là chiếc lán nhỏ làm nơi nghỉ ngơi mỗi đêm mà không đủ che mưa, tránh nắng. Những số phận ấy đang từng ngày khắc khoải đi tìm lối ra giữa trùng điệp khó khăn.

sống mong manh trong những ngôi nhà dột nát  

Qua thống kê của UBND tỉnh Lai Châu, tính đến đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh còn hơn 7.000 hộ gia đình sống trong nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ sửa chữa và xây mới. Những năm qua, mặc dù tỉnh Lai Châu luôn quan tâm công tác hỗ trợ làm nhà ở đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình Mục tiêu quốc gia, dự án của Trung ương để triển khai thực hiện như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, đã có hàng nghìn ngôi nhà tạm, nhà dột nát của các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây mới, sửa chữa và hàng trăm nghìn trường hợp khó khăn được giúp đỡ ổn định đời sống. Trong giai đoạn năm 2010-2020, tỉnh đã hỗ trợ được 12.154 hộ/căn nhà. Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo 11.268 hộ; hộ người có công với cách mạng 886 hộ...

Tuy nhiên, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh còn khá cao được biết: Lai Châu là một tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 85% dân số toàn tỉnh. Một bộ phận hộ nghèo sau khi thoát nghèo vẫn có nguy cơ tái nghèo do thiếu việc làm ổn định, thiên tai, dịch bệnh. Các hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thiếu nguồn lực, kinh phí hỗ trợ, thiếu đất sản xuất, thu nhập thấp. Nhà ở của nhiều hộ gia đình là nhà gỗ, nhà tường trình, nhà sàn dễ bị xuống cấp qua thời gian; nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng tự sửa chữa…

Điển hình như ở Phong Thổ, huyện vùng cao biên giới của tỉnh. Từ năm 2021 đến 2024, có hơn 1.500 hộ gia đình được hỗ trợ xây mới theo Đề án 645 của Bộ Công an và nguồn hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 2. Tuy nhiên đến đầu năm 2025, toàn huyện  còn 1.736 hộ cần được xoá nhà tạm, nhà dột nát. Chia sẻ với phóng viên, đồng chí Trần Bảo Trung - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho hay: Trên địa bàn huyện cơ bản các hộ thuộc diện hộ nghèo đều sinh sống ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, điều kiện để phát triển kinh tế rất khó. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện nay trên 30%.

Bên cạnh đó, do thiên tai, mưa lũ hàng năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhà ở của các hộ dân. Có những năm, mưa đá, gió lốc đã làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà ở các huyện vùng cao biên giới; hàng chục ngôi nhà bị mưa lũ cuốn trôi, đất đá sạt lở vùi lấp. Đồng chí Chẻo A Oái - Phó Chủ tịch UBND xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ tâm sự với chúng tôi: Mặc dù các hộ nghèo, cận nghèo trong xã đã cố gắng lao động, sản xuất, đi làm thuê, làm mướn để vươn lên. Tuy nhiên, nhiều hoàn cảnh gia đình éo le, thiên tai, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng nên cái nghèo vẫn đeo bám. Toàn xã có 589 hộ với 3.161 khẩu; hiện nay còn 209 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 chỉ đạt 23,6 triệu/người/năm.

Không những vậy, sống trong nhà tạm, nhà dột nát, người già, trẻ nhỏ dễ bị bệnh truyền nhiễm, các bệnh về đường hô hấp (cúm, lao, phổi), viêm da, nhiễm trùng…do ô nhiễm không khí trong nhà, bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn. Với trẻ em, nghèo đói và nhà cửa tạm bợ còn là rào cản lớn trên con đường đến trường. Không chỉ ảnh hưởng đến từng gia đình, thực trạng nhà tạm, nhà dột nát còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, làm mất mỹ quan nông thôn, ảnh hưởng đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội.

Có thể thấy, những ngôi nhà tạm, nhà dột nát vẫn hiện diện như những vết gợn với gam màu tối trong bức tranh phát triển của tỉnh, là nỗi niềm đau đáu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, việc cải thiện điều kiện sống cho những người dân nghèo, giúp bà con có được những ngôi nhà vững chắc, an toàn là một nhiệm vụ chính trị cấp bách của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở...

Còn tiếp...

Kỳ 2: Hành trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát


Tác giả: Đinh Lan - Đinh Đông - Ngọc Duy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 789
Hôm qua : 6.191
Tháng 07 : 78.980
Năm 2025 : 1.183.094
Tổng số : 85.140.027