Kỳ 4: Xoá nhà tạm – Xây tương lai
Sau hơn nửa năm triển khai quyết liệt Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, bằng chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách nhân văn của Nhà nước, quyết tâm nỗ lực lớn của Đảng bộ, Chính quyền, sự góp sức, chung tay của lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, “Cuộc cách mạng tình người” tại Lai Châu đã cơ bản giành thắng lợi khi tỉnh hoàn thành sớm mục tiêu với hơn 7.000 ngôi nhà được khởi công xây mới và sửa chữa trong niềm vui hân hoan của những người dân nghèo. Với tinh thần “Đoàn kết – Quyết tâm – Hành động – Hiệu quả”, tỉnh Lai Châu đang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án để hỗ trợ sinh kế bền vững cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, người có công vươn lên trong cuộc sống. Đây là những bước đi tiếp theo trên hành trình “xoá nhà tạm, xây tương lai”, để người dân có thể sống tốt hơn trong ngôi nhà mới, tự lực vươn lên, thoát nghèo một cách bền vững.
Hoan ca trong những ngôi nhà mới
Vượt quãng đường hơn 100km từ thành phố Lai Châu đến xã Tà Mung (huyện Than Uyên), chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Siên, chị Tòng Thị Hoan ở bản Nậm Pắt – một trong những hộ đặc biệt khó khăn được hỗ trợ làm nhà mới trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Trong căn nhà mới xây còn thơm mùi vữa, vợ chồng anh Siên, chị Hoan xúc động nghẹn lời: Ước mơ có được một căn nhà kiên cố tưởng chừng xa vời, nay đã thành hiện thực nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, những tấm lòng thơm thảo và Nhân dân trong bản. Đây chính là động lực để hai vợ chồng vượt qua khó khăn, nuôi dạy con cái, tập trung làm ăn, phát triển kinh tế sớm thoát nghèo.
Gia cảnh của anh Siên là chuỗi ngày nhọc nhằn, đôi chân tật nguyền khiến anh chỉ có thể di chuyển bằng tay; vợ anh là lao động chính nuôi 6 người con đang tuổi ăn học. Chúng tôi càng thấm thía hơn khi nhìn đôi tay chai sạn, run run của anh Siên khi trò chuyện với cán bộ xã để cảm ơn; không nhiều lời hoa mĩ, mà chỉ bằng ánh mắt, nụ cười và niềm vui dâng trào đã nói thay tất cả sự hạnh phúc của mảnh đời bất hạnh cần được chở che, giúp đỡ.
Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung - anh Sùng A Sa chia sẻ, năm 2025, toàn xã có 19 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Giờ đây, khi những ngôi nhà mới đã hoàn thiện, vững chãi trước mùa mưa bão, không chỉ người dân vui mừng, mà cán bộ xã cũng thấy ấm lòng. Quan trọng hơn, người dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và cùng nhau quyết tâm xây dựng đời sống no ấm, tiến bộ, văn minh hơn.
Niềm vui ấy không chỉ ở Tà Mung, xã Bum Tở (huyện Mường Tè), nơi có đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống, những ngày này cũng rộn ràng tiếng cười trong những ngôi nhà mới dựng lên. Đây là kết quả của sự đồng hành đầy trách nhiệm và yêu thương từ cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con trong bản. Trong căn nhà mới, ông Lý Xá Hừ không giấu nổi xúc động: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn các anh công an không ngại đường xa, nắng mưa, về giúp chúng tôi xây nhà. Các anh còn dạy bà con cách làm ăn, cách trồng trọt, chăn nuôi để thoát nghèo… Tôi mừng lắm, biết ơn lắm!”.
Không chỉ những gia đình nghèo vui mừng khi có nhà mới, mà niềm vui ấy lan tỏa đến từng cán bộ, chiến sĩ, từng người thợ, từng người dân góp công, góp sức. Bởi lẽ, mỗi căn nhà được hoàn thiện không chỉ giúp che mưa nắng, mà còn là nền móng cho tương lai, là biểu tượng của sự đổi thay từ vùng đất khó.
Từ “an cư” đến “lạc nghiệp”
Những ngôi nhà mới mọc lên, vững chãi đã mang đến niềm vui, niềm tin cho hàng nghìn hộ dân nghèo ở Lai Châu. Song, hành trình thoát nghèo không thể dừng lại ở việc có được chốn che mưa, chắn nắng. Khi đã “an cư”, người dân cần có “lạc nghiệp”, tức là cần sinh kế ổn định, bền vững để không trở lại vòng xoáy nghèo đói, lạc hậu.
Hiểu rõ điều đó, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm “gỡ nút thắt” sinh kế cho người nghèo. Từ hỗ trợ con giống, cây trồng phù hợp, tổ chức đào tạo nghề, mở rộng tín dụng chính sách, đến khuyến khích xuất khẩu lao động và huy động các nguồn lực xã hội hoá. Những việc làm này không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, mà còn củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào tương lai đổi thay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Tại bản Dền Thàng, xã Nậm Xe, gia đình chị Lý Thị Téo - một trong 19 hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát của Đảng, Nhà nước năm 2024, là minh chứng rõ nét cho hiệu quả “hậu an cư”. Nhờ khoản hỗ trợ 40 triệu đồng từ Nhà nước, cộng với nguồn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và sự giúp đỡ của người thân, chị đã xây được căn nhà rộng gần 100m², thay thế ngôi nhà cũ chỉ hơn 30m² vốn đã xuống cấp nghiêm trọng. Không dừng lại ở đó, đầu năm 2025, gia đình chị tiếp tục được hỗ trợ 2 con ngựa sinh sản để phát triển sinh kế và được định hướng trồng khoai sọ, dong riềng để tăng thu nhập. Trong căn nhà mới, chị Téo xúc động nói: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình tôi được làm nhà mới, được tặng ngựa sinh sản. Bây giờ cuộc sống ổn định hơn, thoát được nghèo rồi...”.
Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, nhiều địa phương cũng tích cực tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế hộ, khuyến khích người lao động tham gia thị trường xuất khẩu lao động. Các chương trình mục tiêu quốc gia còn được lồng ghép để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.
Song song với đó, công tác huy động xã hội hóa tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, lực lượng vũ trang không chỉ làm cầu nối hỗ trợ sản xuất mà còn sẻ chia thiết thực bằng việc vận động học bổng, sách vở, nhu yếu phẩm cho học sinh và hộ nghèo vùng cao. Đơn cử, tại lễ bàn giao nhà ở xã Bum Tở (huyện Mường Tè), Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh đã ủng hộ người dân quần áo, chăn màn, bánh kẹo, mì chính… với tổng trị giá 20 triệu đồng, số tiền được gây dựng từ chính các mô hình tăng gia, sản xuất của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Tại không ít bản vùng cao, đất sản xuất còn hạn chế, khí hậu khắc nghiệt, việc tạo sinh kế gặp nhiều khó khăn. Một số chương trình, chính sách vẫn còn bó hẹp đối tượng thụ hưởng, tình trạng một bộ phận người dân đủ điều kiện nhưng không có nguồn đối ứng hoặc không có đủ nguồn lực để duy trì mô hình sau hỗ trợ... Đây chính là những điểm nghẽn cần có giải pháp linh hoạt, sát thực tiễn hơn trong thời gian tới.
Để Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thực sự trở thành nền tảng cho hành trình giảm nghèo bền vững, bên cạnh chính sách nhà ở, rất cần một chiến lược hỗ trợ đồng bộ và lâu dài, từ sinh kế phù hợp, đào tạo kỹ năng, tín dụng ưu đãi, đến chính sách đặc thù cho những gia đình thiếu sức lao động, thiếu đất sản xuất. Chỉ khi đó, người dân mới thực sự “an cư” và “lạc nghiệp”; mới có thể vượt lên nghèo khó, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc một cách vững chắc.
Có thể thấy, sau hơn nửa năm triển khai quyết liệt, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Lai Châu không chỉ cán đích vượt mong đợi. Tuy nhiên, công cuộc xóa nghèo bền vững không chỉ dừng ở việc trao nhà, mà cần tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để người dân có công ăn việc làm, có sinh kế ổn định. Đó là nhiệm vụ không của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của mỗi cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Lai Châu đang đi đúng hướng, từ một chương trình an sinh trở thành một phong trào xã hội sâu rộng, từ một quyết sách nhân văn trở thành một cuộc cách mạng thấm đẫm tình người. Và hành trình ấy sẽ còn tiếp tục, để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau, để mỗi ngôi nhà nơi biên cương không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi bắt đầu của những ước mơ, nơi khởi nguồn của hạnh phúc.
Xem Kỳ 1: “Những ngôi nhà tạm, những phận đời mong manh” tại đây!
Xem Kỳ 2: Hành trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát tại đây!
Xem Kỳ 3: Những bàn tay nối dài “tình người” tại đây!
Hết