• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế

(laichau.gov.vn)
Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan HIV tại cơ sở y tế đang được xác định là một trong những rào cản quan trọng nhất, khiến người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV không tiếp cận các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Năm 2018, tỉnh Lai Châu cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại 3 cơ sở y tế.

Tập huấn giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều năm liên tiếp Việt Nam đã đạt được mục tiêu 3 giảm: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2020 và hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, hiện còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, đây đang là vấn đề được Bộ Y tế, các tỉnh thành trong cả nước quan tâm. Trong đó, các hoạt động nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan HIV tại cơ sở y tế đang là giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, ngày 26/12/2017 Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BYT về việc tăng cường hoạt động giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành căn cứ vào hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, xây dựng hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV dựa vào tình hình thực tế của đơn vị, tổ chức triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV theo kế hoạch được phê duyệt. Tổ chức tập huấn về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, dự phòng chuẩn trong các cơ sở y tế cho các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; rà soát lại các quy trình cung cấp dịch vụ dễ phát sinh kỳ thị và phân biệt đối xử liên đến HIV trong các cơ sở y tế như quy trình xét nghiệm HIV và trả kết quả xét nghiệm; quy trình khám bệnh, chữa bệnh; quy trình lưu trữ hồ sơ, bệnh án; quy trình bảo mật thông tin cá nhân người bệnh, qua đó điều chỉnh cập nhật cac quy trình để trành kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Xây dựng và phổ biến bộ quy tắc thực hành về chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS hoặc lồng ghép các nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong quy tắc ứng xử của công chức, viên chức y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Khuyến khích sự tham gia vào các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế. Đồng thời, theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế; định kỳ đánh giá và sơ kết, tổng kết để làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Đối với tỉnh Lai Châu, công tác phòng chống HIV/AIDS được triển khai một cách toàn diện từ truyền thông, can thiệp, điều trị Methadone, dự phòng lây truyền mẹ con, tư vấn, xét nghiệm… Tính đến ngày 30/6/2018 lũy tích nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 3.258 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV được phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2018 là 74 trường hợp, lũy tích số người tử vong do AIDS là 1.460 người, tỷ lệ nhiễm HIV còn sống là 1.707 trường hợp, số có mặt ở địa phương là 1.526 trường hợp. Như vậy số người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được quản lý và tiếp cận các dịch vụ điều trị vẫn còn. Một trong những nguyên nhân mà người nhiễm HIV/AIDS chưa tiếp cận chương trình điều trị là sự tự kỳ thị của người nhiễm, sự kỳ thị và phân biệt đối xử xuất phát từ các cơ sở y tế. Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại cơ sở y tế đang được xác định là một trong những rào cản lớn để người có hành vi có nguy cơ cao, người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS. Nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt kỳ thị và phân biệt đối xử trong cơ sở y tế: Nhân viên y tế muốn biết ai nhiễm HIV để họ cẩn trọng hơn; sợ bị lây nhiễm HIV; một số nhân viên y tế cảm thấy rằng họ có quyền biết ai là người nhiễm HIV, coi như là cách để bảo vệ bản thân họ không bị phơi nhiễm HIV…

Các loại hình dễ phát sinh kỳ thị và phân biệt: Xét nghiệm HIV thường quy trước khi tiến hành phẫu thuật; nhân viên y tế liền lúc mang hai gang tay khi cung cấp dịch vụ thường quy cho các bệnh nhân nhiễm HIV; hồ sơ bệnh án hoặc giường bệnh bị đánh dấu làm lộ tình trạng nhiễm HIV của bệnh nhân hoặc quần áo bệnh viên có màu khác; nhân viên y tế y tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của bệnh nhân cho người khác mà chưa được sự đồng ý của bệnh nhân; chuyển bệnh nhân nhiễm HIV về tuyến cơ sở mà không tham vấn ý kiến của bệnh nhân; làm xét nghiệm HIV và sử dụng thêm găng tay và khẩu trang để đỡ đẻ cho phụ nữ nhiễm HIV; giặt quần áo của bệnh nhân nhiễm HIV hoặc sử dụng ngôn ngữ xúc phạm với bệnh nhân nhiễm HIV và nhóm nguy cơ cao.

Theo ông Trịnh Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Chương trình giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ sở y tế sẽ được triển khai thí điểm tại 3 cơ sở trên địa bàn tỉnh như Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế Tam Đường, Than Uyên. Trong đó, sẽ triển khai các hoạt động như tuyên truyền đến người thân, cộng đồng không được kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS; thành lập các nhóm CBO để vận động, tư vấn người nhiễm tham gia điều trị; phối hợp với các cơ quan báo đài tuyên truyền về chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; hướng dẫn các cơ sở y tế tuyến dưới thực hiện các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV...

HIV/AIDS hiện đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng, hàng năm tại Lai Châu có hàng chục ca nhiễm mới, gây tác động lớn đến sức khỏe, kinh tế, xã hội. Việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, đặc biệt là tại các cơ sở y tế là cần thiết để đạt mục tiêu 90 -90 -90 và chấm dứt AIDS vào năm 2030 của Việt Nam nói chung và Lai Châu nói riêng. Để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế, các đơn vị chức năng cần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế hướng tới góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lước quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; tạo môi trường y tế thân thiện để những người sống với HIV và những người có nguy cơ cao tiếp tục sử dụng và hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế phù hợp một cách bình đẳng; cải thiện chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Đồng thời, cũng cần có sự phối hợp tích cực của cộng đồng và gia đình trong việc tuyên truyền chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế và cả cộng đồng; động viên người nhiễm HIV vượt qua mặc cảm…

Minh Huệ


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 391
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 187.221
Năm 2024 : 858.811
Tổng số : 82.324.904