Thác Cầu Mây và Cổng trời đèo Hoàng Liên
Đèo Ô Quy Hồ hoặc đèo Mây còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên, do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, nằm trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ ở độ cao gần 2.000m.
Tương truyền ở vùng núi này, trước hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu “ô quy hồ” của loài chim này đã được dùng để đặt thành tên cho con đèo.
Đèo Ô Quy Hồ có cung đường đèo dài ngoằn ngoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu, 1/3 còn lại nằm ở phía thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50km, dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc”.
Độ cao của dãy núi Hoàng Liên Sơn cũng khiến cho khí hậu hai nửa của đèo được phân định tại Cổng Trời trở nên khác biệt. Mùa đông, trong khi bên phía Tam Đường trời vẫn ấm áp thì bên Sa Pa có những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt, cả ngày sương mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2m và núi rừng chìm ngập trong mây. Vào mùa hè, nếu bên đèo Sa Pa khí hậu mát mẻ trong lành thì bên đèo Tam Đường là những cơn nóng khô hanh sẽ thiêu đốt. Những năm trời lạnh, đỉnh đèo Ô Quy Hồ có thể bị phủ kín bởi băng tuyết.
Ngày 29-6-2015, thác Cầu Mây, Cổng Trời thuộc khu vực đèo Hoàng Liên Sơn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số 2248/QĐ-BVHTTDL.