A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu- Vùng đất của những sắc màu văn hóa

(laichau.gov.vn)

Không chỉ có khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều cảnh sắc đẹp nao lòng và những danh thắng nổi tiếng, tỉnh Lai Châu còn mang trong mình những sắc màu văn hóa phong phú của hơn 20 dân tộc cùng những lễ hội đặc sắc.

Sự kết hợp của nhiều yếu tố thuận lợi, đã giúp ngành du lịch Lai Châu tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thống kê, lượng khách đến Lai Châu năm 2022 tăng trên 103% so với năm 2021; doanh thu tăng khoảng 132%. Chỉ riêng quý đầu năm 2023 có gần 260 nghìn lượt khách du lịch đến Lai Châu, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 32% so với kế hoạch năm 2023.

Với hàng loạt những địa điểm ghi dấu ấn trong lòng du khách như: Khu Du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên, Cầu kính Rồng Mây, thác Tác Tình, đỉnh Putaleng, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Tả Liên Sơn; cùng các bản du lịch cộng đồng: bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, bản Sì Thâu Chải, bản Hon, bản Lao Chải...tỉnh Lai Châu đã tận dụng hiệu quả thế mạnh của từng nơi để tổ chức các hoạt động du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch cũng như quảng bá hình ảnh như: tuần lễ văn hóa du lịch, giải dù lượn đường trường, các tour khám phá đời sống cộng đồng dân tộc...

Lai Châu đang tiếp tục phát triển những tiềm năng riêng biệt như: những cung đường đèo, lòng hồ thủy điện, đặc biệt là những đỉnh núi cao nhất Việt Nam nơi còn gìn giữ được những cánh rừng nguyên sinh, thác nước, hang động, những thảm thực vật phong phú đa dạng; những vùng chè cổ thụ, rừng hoa đỗ quyên rất phù hợp cho phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch leo núi, thể thao mạo hiểm. 

Đặc biệt, lợi thế địa hình cũng giúp hoạt động dù lượn được phát triển mạnh, với những sự kiện thu hút hàng trăm phi công trong nước và quốc tế tham gia. Bên cạnh đó, du lịch lòng hồ, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp với những đặc trưng, thế mạnh riêng như: Lòng hồ các Thủy điện Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát; các dân tộc đặc biệt chỉ có ở Lai Châu là Lự, Si La, Cống, La Hủ..., là điểm nhấm để du lịch Lai Châu bứt phá trong thời gian vừa qua.

Gần đây, du khách tìm đến Lai Châu để được tham dự sự kiện văn hóa du lịch thường niên. Điều này đã góp phần rất lớn đưa hình ảnh về Lai Châu vươn xa hơn. Hàng loạt hoạt động thú vị thu hút du khách như: các không gian trưng bày triển lãm; không gian giới thiệu sản phẩm OCOP và một số nông sản đặc trưng của tỉnh; không gian giới thiệu văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu, không gian giới thiệu, quảng bá du lịch... 

Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu vừa qua thực sự góp phần tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương; tạo cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour du lịch mới, giới thiệu đến du khách; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch. Giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng và các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, thể thao, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch Lai Châu.

Trong thời gian tới du lịch Lai Châu sẽ tiếp tục quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của mình gắn với 6/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam; phát triển và lan tỏa Sản phẩm du lịch Bản du lịch cộng đồng tiêu biểu của ASEAN (Bản Sin Suối Hồ huyện Phong Thổ), hay tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc dưới 10.000 người, cũng như các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm khu vực và toàn quốc để thu hút du khách đến Lai Châu trải nghiệm, khám phá.

Cập nhật ngày 18/6/2023


Tác giả: Theo Thùy Chi/vietnamnet.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.945
Hôm qua : 3.431
Tháng 01 : 124.467
Năm 2025 : 124.467
Tổng số : 84.081.400