Trò chơi dân gian: Ném Pao
Ném Pao được xem là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của người Mông nói chung và người Mông ở Lai Châu nói riêng. Đây cũng là trò chơi không thể thiếu trong những ngày hội truyền thống, lễ tết của người Mông và là trò chơi chủ đạo trong các lễ hội: Nào Sồng, Cúng bản, Gầu tào.
Trò chơi ném Pao thu hút đông đảo nam nữ tham gia, nhất là trong những ngày tết cổ truyền của người Mông, trong dịp này, trai gái có điều kiện vui chơi, tìm hiểu bạn đời. Khi tham gia các lễ hội, các cô gái Mông thường mang theo những quả Pao, như đồ trang sức không thể thiếu với mong muốn sẽ tìm được một người đàn ông phù hợp với mình.
Quả Pao của người Mông được khâu nối bằng các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam rồi nhồi hạt lanh hoặc bông vải vào bên trong. Các thiếu nữ Mông rất sáng tạo dùng vải thổ cẩm của người Thái, chắp ghép những mảnh vải nhiều màu khác nhau lại và dùng lụa tơ tằm để tạo sắc màu cũng như sự mềm mại cho quả Pao. Qua đó, các chàng trai Mông đi tìm vợ thì nhìn quả Pao cũng có thể biết được khả năng dệt vải, thêu thùa của cô gái. Quả Pao tốt thì các đường khâu phải kín, khi cầm quả Pao không được cứng hoặc mềm quá, người phụ nữ Mông giỏi giang, đảm đang thì phải biết làm quả Pao tốt.
Trong những lễ hội, người dân tộc Mông sẽ đặt trò chơi ném Pao ở những khu đất rộng và tương đối bằng phẳng. Để tham gia trò chơi, người chơi phải phân chia làm 2 đội, bên nam và nữ với khoảng cách 5-7m. Tài khéo léo của người ném Pao là không để cho Pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng về số lần ném, số lần bắt được Pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó do đội thắng quy định.
Khi ném Pao là lúc trai gái trao cho nhau những ánh mắt nụ cười. Cùng ném Pao và trao nhau tình cảm, khi mà người con trai cảm mến một cô gái nào thì giữ quả Pao để lấy cớ đó cầm đến nhà hay tìm gặp cô gái để bày tỏ tình cảm, khi thấy hợp nhau họ sẽ cùng hẹn hò và trở thành tình nhân của nhau. Đây được xem là nét đặc sắc, tính nhân văn của trò chơi ném Pao.