Trại tạm giam Công an tỉnh: Thực hiện tính nhân văn trong quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân
![]() Cán bộ Trại tạm giam tuyên truyền luật cho phạm nhân trong trại |
Hiện nay, Trại tạm giam Công an tỉnh đang quản lý, giam giữ gần 200 đối tượng với những đặc điểm khác nhau về án phạt, tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình, thái độ chấp hành án, đến trình độ văn hóa, phương thức, thủ đoạn phạm tội... đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức trong vấn đề quản lý, cải tạo phạm nhân. Đại tá Hoàng Công Phương, Giám thị trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: Xác định rõ trách nhiệm “Cán bộ là gốc của công việc”, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị luôn xác định tính chất, nhiệm vụ công việc của mình để chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động, xây dựng bản lĩnh vững vàng, phong cách làm việc bình tĩnh, nhân văn khi tiếp xúc với phạm nhân.
Theo lời Đại tá Phương, ngoài mối quan hệ giữa cán bộ với phạm nhân, cán bộ, chiến sỹ đối với phạm nhân còn phải có cái tâm, cái tình giữa con người với con người, từ nhận thức đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ đều có phương pháp giáo dục sinh động và tư duy linh hoạt, hiệu quả để nhằm khơi dậy tính hướng thiện trong mỗi phạm nhân, từ đó phạm nhân phấn đấu học tập, lao động cải tạo chấp hành án phạt sớm trở về với gia đình, cộng đồng.
Đỗ Trọng Tuân, một phạm nhân đang thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu chia sẻ: Em vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và bị xử phạt 3 năm tù. Vào đây chấp hành án phạt từ giữa tháng 11/2015 em đã được các cán bộ dạy dỗ, bảo ban, dùng tình cảm để khuyên nhủ. Sau giờ lao động, em cùng các anh em còn được sinh hoạt chung, đọc sách báo, được cán bộ tuyên truyền về các luật để chúng em biết, sau này không vi phạm pháp luật nữa. Em cảm thấy được an ủi rất nhiều, nhận ra cái sai và sửa chữa khuyết điểm với mong muốn phấn đấu cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.
Không chỉ quan tâm đến giáo dục, ổn định tâm lý cho phạm nhân, đơn vị cũng quan tâm đến đời sống vật chất như ăn, ở, mặc đảm bảo chất lượng, vệ sinh, đời sống tinh thần như tạo cảnh quan, khuôn viên khu trại giam để can phạm có ý thức giữ gìn và hưởng thành quả của chính mình từ môi trường do mình chăm sóc mang lại. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt như đọc báo, nghe đài phát thanh, nghe tuyên truyền về các bộ luật để nâng cao trình độ dân trí; tổ chức 2 đợt cho phạm nhân tham gia viết thư “Gửi lời xin lỗi” với hàng trăm lượt phạm nhân tham gia; vận động cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng “Quỹ tấm lòng vàng”, “Thắp sáng ước mơ”, nếp sống “Trật tự, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”... tại đơn vị.
Kết quả cụ thể nhất là trong 5 năm qua, Trại tạm giam đã tổ chức giáo dục chung 127 buổi cho 3.731 lượt phạm nhân; giáo dục cá biệt 39 buổi cho 19 lượt phạm nhân; làm thủ tục giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 206 phạm nhân; đặc xá cho 20 phạm nhân. Bên cạnh đó, đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh mở 4 lớp xóa mù chữ cho 40 phạm nhân...
Đơn vị cũng tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh; Hội thầy thuốc trẻ hàng năm tổ chức giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên; khám và cấp phát thuốc cho các phạm nhân; phối hợp với Hội Luật gia để phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù (15 lượt với 215 phạm nhân); phối hợp Trung tâm giới thiệu việc làm - Sở Lao động Thương binh và Xã hội tư vấn hướng nghiệp các nghề phù hợp để phạm nhân có cơ hội, điều kiện sau khi ra trại nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định...
Các phạm nhân lao động cải tạo
Thực tế, công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân chấp hành án phạt tù với nhiều tội danh, thành phần, tính chất phức tạp, trình độ nhận thức khác nhau... khiến mỗi cán bộ quản giáo phải đối mặt với nhiều áp lực, hiểm nguy. Tuy nhiên, thực hiện lời Bác Hồ dạy thực hiện tính nhân văn trong nhiệm vụ của mình, bằng cái tâm và trách nhiệm, mỗi cán bộ, quản giáo của Trại tạm giam Công an tỉnh đã và đang cảm hóa các phạm nhân, hướng dẫn họ học tập, lao động, cải tạo tiến bộ nhằm mục đích trả về cho gia đình và xã hội những công dân lương thiện đã một thời lầm lỗi.
Đại tá Hoàng Công Phương, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh nhấn mạnh: Đơn vị chúng tôi luôn thực hiện nghiêm túc Phong trào “Công an Nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an Nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”. Xác định nhiệm vụ của đơn vị, trước yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ngày càng diễn biến tinh vi; tình hình phạm nhân phạm tội hoặc vi phạm nội quy tại Trại tạm giam còn có những diễn biến phức tạp, chúng tôi đã yêu cầu cán bộ, chiến sỹ tham gia quản giáo phải thường xuyên tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện xây dựng cho mình có lối sống kỷ luật, tác phong, tư thế, lề lối làm việc, có văn hóa ứng xử đúng mực, đảm bảo phương châm “bên trong chặt chẽ, bên ngoài bình thường” trong công tác quản lý can phạm nhân. Cùng với đó là theo dõi kịp thời nắm bắt tư tưởng của phạm nhân để giúp đỡ, chia sẻ, giải quyết đúng pháp luật và thỏa đáng mọi khiếu nại, kiến nghị chính đáng, đúng pháp luật của phạm nhân; tổ chức các buổi sinh hoạt, quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần để phạm nhân tích cực phấn đấu trở về với đời thường thành một công dân lương thiện.
Giúp phạm nhân nhận thức được sai lầm để sửa sai, trả lại cho gia đình, xã hội những công dân lương thiện đã một thời lầm lỡ là một nhiệm vụ khó khăn mà cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh đã và đang thực hiện. Thực hiện lời Bác dạy chính là một “liều thuốc” tinh thần mà mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã hỗ trợ phạm nhân của mình, để họ nhanh chóng trở về thành một công dân sống có ích, sống và làm việc theo đúng pháp luật./.
Nguyễn Thủy