• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ở tỉnh Lai Châu trong giai đoạn hiện nay

(laichau.gov.vn)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc, được Người đúc kết từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam và kinh nghiệm của các dân tộc trên thế giới, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn. Tư tưởng này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người về vai trò của khối đại đoàn kết các dân tộc đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: "Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là tất cả". Người đã chỉ rõ, khối đại đoàn kết các dân tộc là một nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khối đại đoàn kết các dân tộc là sự tập hợp, gắn bó, hợp tác giữa các dân tộc anh em trên cơ sở lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và lợi ích chung của đất nước.

Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc gồm: (1) Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên cơ sở thống nhất lợi ích của dân tộc; (2) Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tương trợ; (3) Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các dân tộc; (4) Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên cơ sở phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy  trao quà cho Ban Công tác Mặt trận Liên khu dân cư bản Cốc Phung, Nậm Phát (xã Bản Bo).
Đồng chí Nguyễn Ngọc Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy trao quà cho Ban Công tác Mặt trận Liên khu dân cư bản Cốc Phung, Nậm Phát (xã Bản Bo).

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Người đã thành lập Mặt trận Việt Minh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các dân tộc tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Người cũng đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm giải quyết các vấn đề dân tộc, tạo điều kiện cho các dân tộc cùng phát triển. Đã tạo nên sức mạnh to lớn để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Đảng Cộng sản Việt Nam xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, là nền tảng vững chắc của sự nghiệp cách mạng, là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế” là một trong những bài học lớn vẫn còn nguyên giá trị được Đảng ta chỉ ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.

Lai Châu là tỉnh miền núi phía Bắc, là tỉnh biên giới, đồng thời cũng là địa bàn của 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Trong lịch sử, các dân tộc ở Lai Châu đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng và bảo vệ quê hương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đồng bào các dân tộc Lai Châu đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng đập tan sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp, giải phóng thị trấn Lai Châu vào ngày 12/12/1953; đoàn kết, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979; đoàn kết xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện theo lời Bác dặn trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau” xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc là nền tảng vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp của các dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế tăng trưởng ở mức khá, GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 3,91%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,03%; dịch vụ chiếm 40,14%; nông nghiệp chiếm 15,16%. Hiện, có 99% xã có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 99,7% trường học và 94,2% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của Nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 3,4%/năm; huyện nghèo giảm bình quân 4,7%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Lai Châu là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Là tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều; các thế lực phản động không ngừng tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, tăng cường tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền thành lập “Nhà nước riêng”, truyền đạo trái pháp luật, kích động di cư tự do nhằm làm mất ổn định an ninh, trật tự;... Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ở tỉnh Lai Châu càng có ý nghĩa quan trọng. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Để tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ở tỉnh Lai Châu trong giai đoạn hiện nay theo tôi cần chú ý đến một số biện pháp sau:

Một là, Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết các dân tộc. Đây là giải pháp quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết các dân tộc. Phương thức tuyên truyền, giáo dục cần đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa phương, đối tượng. Tăng cường vai trò và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác tuyên truyền, giáo dục.

Hai là, Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết để góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là các chính sách giáo dục, y tế, giảm nghèo; hướng mạnh các hoạt động của chính quyền các cấp về cơ sở; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định trên địa bàn tỉnh.

Ba là, Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo. Bản sắc văn hóa của các dân tộc là sợi dây gắn kết các dân tộc lại với nhau. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc. Giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo để giữ vững ổn định chính trị - xã hội thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Các cấp, các ngành tham gia tích cực các phong trào, chương trình, cuộc vận động giúp Nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo sự ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Cập nhật ngày 14/12/2023


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.692
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 199.932
Năm 2024 : 871.522
Tổng số : 82.337.615