A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách trồng và chăm sóc Mắc ca cho năng suất, hiệu quả

(laichau.gov.vn)
Tỉnh Lai Châu, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt vừa phối hợp tổ chức hội thảo tư vấn cho vay và tập huấn kỹ thuật canh tác cây Mắc ca tại Lai Châu. Quá trình tổ chức đoàn đã đi tham quan các vườn Mắc ca tại địa phương, qua đó khẳng định Lai Châu là địa phương thích hợp để triển khai mở rộng diện tích Mắc ca trở thành một trong những cây trồng chính giúp người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tại Hội thảo, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Mắc ca đã được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hướng dẫn đến bà con.

Mắc ca trồng tại Lai Châu đã cho nhiều quả.

Cây Mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm tại tỉnh từ năm 2011, 2012. Tháng 9/2012, Viện nghiên cứu giống và công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã trồng khảo nghiệm 14 dòng Mắc ca tại các huyện Tân Uyên và Tam Đường. Sau một năm cho thấy các cây trồng khảo nghiệm có tỷ lệ sống cao, đạt trên 95%. Trên cơ sở đó, năm 2012, huyện Tam Đường đã thực hiện dự án hỗ trợ người dân trồng Mắc ca tại 6 xã, thị trấn. Từ năm 2014 đến nay các huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ cũng thực hiện trồng và đều cho kết quả tốt, cây ra hoa, đậu quả với tỷ lệ cao.

Với thị trường tiêu thụ rộng lớn, sức tiêu thụ cao, tỉnh Lai Châu cùng Hiệp hội Mắc ca Việt Nam định hướng mở rộng diện tích Mắc ca tại tỉnh Lai Châu, trong đó Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 90% so với giá thu mua tại thị trường Úc. Để người dân có kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Mắc ca hiệu quả, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hướng dẫn như sau:

Thổ nhưỡng cho cây Mắc ca: Có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Độ dày tầng đất lớn hơn 0,7m; độ PH khoảng 5,0 – 5,5. Đất trồng cần tơi xốp, thoát nước tốt.

Kỹ thuật trồng xen: Mật độ bình quân khoảng 100 cây/ha; hàng cách hàng, cây cách cây khoảng 10m.

Kỹ thuật trồng thuần: Mật độ bình quân 330 cây/ha; hàng cách hàng 6m; cây cách cây 5m.

Tiêu chuẩn cây giống ghép: Tất cả các cây đem trồng đều phải là cây đã ghép. Chồi ghép cần phải khỏe và lành, hợp quy cách. Cây giống ghép phải có thời gian nuôi dưỡng trong vườn ươm trên 3 tháng, chiều cao từ mắt ghép đến đỉnh cây cao trên 20cm; bộ rẽ phải phát triển tốt, khỏe, có nhiều rễ bất định mọc quanh bầu.

Làm đất, bón phân: Cuốc hố thành hàng theo đường đồng mức, kích thước hố 60x60x60cm. Khi cuốc để lớp đất mặt sang một bên, lớp đất đáy sang một bên rồi phơi đất, khử nấm, ấu trùng, sâu đất, ve sầu bằng cách rắc vôi bột và chế phẩm vi sinh. Nên đào hố trước khi trồng khoảng 1,5 đến 2 tháng. Khi bón phân ta lấp ½ chiều sâu hố (khoảng 30cm) bằng lớp đất mặt sau đó cho 50kg phân chuồng hoại + 0,2kg NPK + 0,5kg vôi bột + 0,04kg thuốc mối trộn đều với lớp đất mặt trong, ủ 7 ngày trước khi trồng cây.

Nên trồng Mắc ca vào những ngày râm mát đầu mùa mưa. Dùng cuốc khơi rộng lòng hố, đặt bầu cây ngay ngắn thân thẳng vào giữa hố, đảm bảo cho các rễ phía dưới được trải đều ra. Lấp nửa hố bằng lớp đất mặt tơi xốp rồi dùng tay ấn chặt xung quanh bầu cây. Tiếp tục vun đất theo hình mu rùa để tránh đọng nước vào gốc cây khi trời mưa. Phủ xung quanh gốc một lớp cỏ khô để giữ ẩm, cắm cọc để giữ cây; cắt bỏ những cành, lá phía dưới mắt ghép.

Các đại biểu thăm quan vườn Mắc ca tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường.

Bón phân: Bón vừa đủ, nhiều lần trong năm. Bón đầu tháng 1, giữa tháng 3, cuối tháng 4; giữa tháng 6 và đầu tháng 10 để tăng khả năng ra hoa, bổ sung chất, giúp quả trưởng thành, phục hồi cây… Cách bón: Đào rãnh xung quanh gốc cây, chiều rộng và chiều sâu khoảng 20 – 30cm. Cho phân xuống rãnh rồi lấp đất kín phân. Lượng phân bón tùy thuộc năm tuổi của cây: giai đoạn từ 1-3 tuổi nên chia nhiều lần trong năm để bón, khi cây lớn hơn thì nên tăng cường đạm, lân, kali. Phân trâu bò phải được ủ hoại trước khi bón ít nhất 3 tháng.

Việc tưới nước trong 3 năm đầu ta có thể tưới bất kỳ lúc nào thấy cây khô hạn. Từ năm thứ 4 nên hạn chế tưới trước lúc cây ra hoa, đến khi ra hoa, đậu quả và tích lũy dầu tiếp tục tưới đủ nước. Nên sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để lượng ẩm luôn đủ cung cấp cho cây.

Mắc ca cũng cần được tỉa cành, tạo tán. Lần đầu tiên là khi cây đạt độ cao từ 1-1,2m, khi đó chỉ cần bấm ngọn tạo tán. Lần 2 khi chồi cao khoảng 0,5m thì tiếp tục tỉa cành. Mỗi lần chỉ cần để lại 3 cành. Lần 3 khi chồi cao khoảng 1m, thì tỉa và để lại 2, 3 cành. Nếu tán cây không quá dày thì không cần cắt tỉa những cành nhỏ trong tán, đến đây thì để cây phát triển bình thường. Định kỳ chăm sóc cây như phát dọn thực bì, xới vun gốc, trừ cỏ dại…

Về sâu bệnh: Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên thì ở Việt Nam chưa có sâu bệnh gây hại nghiêm trọng đối với các vườn ươm và vườn cây Mắc ca. Sâu hại chủ yếu chỉ là rệp, bọ trĩ gây hại lộc non, lá non; bệnh chủ yếu là thán thư, thối rễ, thối quả và các bệnh sinh lý. Ngoài ra, còn có chuột, kiến phá hoại khi quả chín. Biện pháp chống chủ yếu là sử dụng các giống chống bệnh và canh tác, vệ sinh sạch sẽ, bẫy chuột, kiến.

Ngoài ra, do Mắc ca là cây rễ cọc nên cần trồng sâu, bón lót dưới đáy hố để kích thích rễ ăn xuống; hạn chế trồng ở những nơi thường xuyên có gió lốc. Với những cây tán lớn cần tiến hành chằng chống trong mùa gió lốc.

Được mệnh danh là “Nữ hoàng của những loại hạt khô”, Mắc ca dự kiến sẽ mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn thu nhập lớn ổn định. Tỉnh Lai Châu đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình, doanh nghiệp phát triển cây Mắc ca và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm. Với định hướng đúng đắn, cây Mắc ca sẽ góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế bền vững tại tỉnh Lai Châu./.

Nguyễn Chanh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.020
Hôm qua : 6.523
Tháng 12 : 20.049
Năm 2024 : 2.330.299
Tổng số : 83.796.392