Đầu năm nói về phong tục các dân tộc Lai Châu
Lễ Tủ cải - một nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao huyện Tam Đường (Ảnh: Công Hải) |
Đồng bào Dao
Đồng bào Dao ở Lai Châu có phong tục truyền thống lấy nước mới vào đêm giao thừa. Lấy nước mới với người Dao là mang ý nghĩa mang may mắn về cho gia đình trong năm mới. Ngoài ra, khi lấy nước mới về, mỗi gia đình thường so sánh lượng nước với năm trước để đoán định năm mới mưa nhiều hay mưa ít. Sau khi lấy nước dâng lên bàn thờ xong, người ta sẽ lấy nước năm cũ và nước năm mới (đựng trong chai hoặc can giống nhau) sau đó cân lên. Nếu nước năm nào nặng hơn thì năm ấy mưa ít, ngược lại bên nào nhẹ hơn thì mưa nhiều.
Trên đường đi lấy nước mới trở về nhà, người Dao cũng đi hái lộc (hái hoa) mang về thờ để cầu may mắn. Hai màu hoa người Dao chọn hái là màu đỏ và màu trắng: Hoa đào, hoa mận. Hoa đào tượng trưng cho con gái, hoa mận tượng trưng cho con trai. Người Dao hái lộc và đem cắm ở bàn thờ với mong ước tổ tiên phù hộ cho con cháu sinh được cả trai lẫn gái. Từ đây trở đi đến Mùng 5 Tết, vào buổi sáng và buổi tối gia đình phải thắp hương đều đặn.
Đồng bào Thái
Nhắc đến đồng bào Thái Lai Châu không thể không nhắc tới phong tục gọi hồn. Việc gọi hồn thường diễn ra ngay trước ngày Tết Nguyên đán. Vào tối 28, 29 hoặc 30, gia đình người Thái thịt hai con gà, một con gà để cúng tổ tiên, một con gà dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, gia chủ mới thầy cúng đến nhà. Thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm.
Đồng bào Giáy
Với đồng bào Giáy Lai Châu, Tết đến, người ta mổ lợn, gà, vịt, chế biến nhiều món ăn và làm nhiều bánh trái, sửa sang, quét dọn nhà cửa, chuẩn bị củi đuốc, thu xếp trả nợ, mua sắm vật dụng và may quần áo mới… Sáng mồng Một, khi gà gáy canh đầu tiên, người ta dậy thắp hương, đốt vàng ở thùng hứng nước hoặc ở thành giếng, sau đó lấy nước mới đem về đun, pha trà, rửa ấm chén, rửa mặt và cúng ông bà tổ tiên bằng nước chè, sau đó lấy giấy đỏ, vải đỏ đi dán, buộc vào tất cả mọi vật dụng trong nhà, công cụ lao động, cây quả v.v… nghĩa là mọi vật cũng đều được ăn Tết.
Tháng Tết, người Giáy không đi lao động và chưa qua rằm tháng Giêng không được lấy lửa ở nhà người khác, kiêng mang đồ tang vào nhà người khác; kiêng vay mượn hoặc lấy đồ, nếu trong trường hợp bắt buộc phải mượn thì phải có lì xì đặt lên bàn thờ nhà người ta mới được mang đồ đi. Người Giáy cũng kiêng quét nhà, đổ rác vào ngày mồng một và khi các dòng họ làm lễ tiễn ông bà xong mới được quét nhà, đổ rác…
Đồng bào Mông
Người Mông cũng có phong tục đến chúc Tết hàng xóm và họ hàng, uống với nhau chén rượu, ăn với nhau miếng bánh dày, miếng thịt và cùng chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới. Người Mông vô cùng coi trọng tinh thần nội tộc. Đã là họ hàng, Tết đến nhất định phải đến thăm nhau, nếu không họ sẽ giận nhau cả năm đó.
Theo những người già, đồng bào Mông có những điều kiêng kị trong ngày Tết như: Mùng một Tết, người phụ nữ trong gia đình được dậy muộn nhưng không nên đi xông nhà hoặc nếu vào nhà người khác phải vào bằng cửa phụ. Người Mông coi trọng lửa và luôn đỏ bếp trong những ngày Tết. Họ không ưa thích những ai thổi vào bếp nhà mình bởi theo quan niệm nếu có người thổi vào bếp hoặc làm tắt lửa thì năm tới cả gia đình họ sẽ gặp sóng gió, không may mắn. Tuy nhiên hiện nay, những điều kiêng kỵ này không còn bắt buộc với mỗi người, mỗi gia đình. Nhưng họ vẫn quan niệm nếu tránh được những điều trên thì vẫn là tốt nhất để có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc suốt cả năm.
NC