A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Sử dụng phân bón hữu cơ

Hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững

(laichau.gov.vn)

Là tỉnh miền núi, phần lớn người dân sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, Lai Châu triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ là giải pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giải được bài toán môi trường.

Theo chị Trương Thị Nhàn - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Để phát triển nông nghiệp bền vững không thể thiếu vai trò của phân bón hữu cơ. Loại phân này có tác dụng cải thiện và ổn định kết cấu của đất, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, tăng cường hoạt động của vi sinh vật trong đất, cung cấp nguồn dinh dưỡng tổng hợp, làm dinh dưỡng trở thành dạng dễ hấp thu… giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao chất lượng nông sản và không gây ô nhiểm môi trường. Do đó, 2 năm gần đây, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền vai trò, tác dụng và cách sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất. Đặc biệt, vận động các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp (chè, mắc-ca…) áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là áp dụng kỹ thuật sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ bằng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương; bón phân cân đối, an toàn, hiệu quả.

Để đảm bảo nguồn phân bón hữu cơ, tỉnh ưu tiên, bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình, chuỗi liên kết trong sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, hiệu quả tại địa phương. Đáng chú ý, UBND tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Quế Lâm (doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ) về việc hợp tác xây dựng Lai Châu trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ nhằm tận thu các phế phẩm chăn nuôi trên địa bàn...

Những năm gần đây, nhu cầu của người dân về nông sản sạch, an toàn ngày càng tăng cao, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ. Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường là một điển hình. Hiện Công ty đang hướng tới các phương thức sản xuất nông nghiệp sạch hữu cơ (Organic); tự sản xuất các loại phân bón vi sinh để bón cho vùng nguyên liệu chè của đơn vị. Các sản phẩm của Công ty ngày càng khẳng định được thương hiệu, chất lượng, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

chăm sóc cây
Toàn bộ diện tích cây ăn quả tại HTX Nông sản sạch T&D Lai Châu được chăm sóc bằng phân bón hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học.

Hay như Hợp tác xã Nông sản sạch T&D Lai Châu, ngay từ khi có ý tưởng thành lập HTX, đơn vị đã xác định chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học. Anh Tô Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông sản sạch T&D Lai Châu tâm sự: HTX đang chăm sóc 600 cây bưởi da xanh không hạt, 900 gốc ổi không hạt Thái Lan, 70 cây xoài, 50 cây bơ, 20 cây mít không hạt... Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chúng tôi chú trọng ghi chép và quản lý sổ sách các công việc triển khai ở vườn cây ăn quả trong suốt quá trình từ mua giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đặc biệt, ghi chép đầy đủ các thông tin về mua, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để các tổ chức chứng nhận quản lý, kiểm tra và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Chia sẻ bí quyết chăm sóc cây trồng, anh Toàn nhắc nhiều đến việc sử dụng phân bón hữu cơ. Anh nói: Sử dụng loại phân này tốt cho cây trồng và môi trường, do đó, tôi chủ động tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và tự ủ phân bón hữu cơ như: mua phân gia súc về ủ cùng nấm trichoderma kết hợp với rác thải, sau 3 tháng bón cho cây trồng. Nhờ đó đến nay, các loại cây trồng của HTX, nhất là cây ăn quả phát triển tươi tốt.

Với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, vùng chè, lúa, mắc-ca... rộng lớn, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi đúng, phù hợp với yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tác dụng của phân bón hữu cơ; sớm xây dựng nhà máy sản xuất phân bón trên địa bàn; có giải pháp hỗ trợ người dân trực tiếp sản xuất phân bón hữu cơ, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường... 

Chị Trương Thị Nhàn cho biết thêm, phân bón hữu cơ có thể sử dụng để bón lót hoặc bón thúc. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng khác nhau mà lượng phân bón sẽ được bón sao cho hợp lý. Bà con có thể tự chế biến phân hữu cơ từ phân gia cầm, gia súc, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, rác thải… và chế biến bằng các kỹ thuật ủ truyền thống. Ngoài ra, trên thị trường còn có các loại phân bón hữu cơ công nghiệp như: phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ khoáng... Trong đó, phân bón hữu cơ vi sinh được sử dụng phổ biến vì loại phân này cung cấp đủ các yếu tố dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung lượng, vi lượng cho cây trồng; cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu, tăng lượng mùn trong đất, bổ sung nguồn vi sinh vật có lợi cho cây trồng (như các nấm đối kháng) giúp phòng trừ bệnh… Việc sử dụng loại phân bón này có ý nghĩa lớn trong việc giảm tác hại của hóa chất lên nông sản do lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; tăng cường bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Để sản xuất nông sản sạch, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ môi trường, nông dân trong tỉnh cần mạnh dạn thay đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt.

Cập nhật ngày 28/5/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.982
Hôm qua : 7.172
Tháng 04 : 126.317
Năm 2024 : 797.907
Tổng số : 82.264.000