Lai Châu: “Gỡ khó” cho người dân bị ảnh hưởng theo Quyết định 861
Lai Châu là tỉnh biên giới với 20 dân tộc cùng sinh sống, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo qua các chương trình, dự án, đời sống của người dân đã có chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 16,33% năm 2020. Ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg (viết tắt là Quyết định 861) phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, theo đó, tỉnh Lai Châu có 43 xã từ khu vực II và khu vực III trở thành xã khu vực I. Dù không còn nằm trong khu vực khó khăn nhưng nhiều hộ dân tại các xã này lại đang gặp khó khi các chính sách hỗ trợ được hưởng trước đây bị cắt bỏ.
Gặp khó khăn khi ra khỏi xã khó
Tại huyện biên giới Mường Tè, theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, 3 xã về đích nông thôn mới được chuyển thành xã khu vực I đó là Bum Nưa, Thu Lũm và Mường Tè. Khi thuộc khu vực I, các em học sinh của 3 xã này không còn được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Một số gia đình không cho con em mình đến lớp vì không được hỗ trợ, hoàn cảnh lại khó khăn, điều đó đã ảnh hưởng đến việc duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần của huyện (số liệu tính đến ngày 14/9/2021, tỷ lệ chuyên cần bậc Mầm non là 91,2%; Tiểu học 96,7% trong đó riêng Trường Phổ thông DTBT THCS Thu Lũm đưa học sinh trở lại điểm bản để học đạt 93,8%; THCS là 92% riêng Trường Phổ thông DTBT THCS Thu Lũm chỉ đạt 78%).
Trưởng bản Pa Thắng, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, anh Chu Hừ Chừ cho biết, bản tôi có 74 hộ, nhiều hộ trong bản là hộ nghèo, có những gia đình cách trường hơn 12km, đi lại khó khăn nhất là mùa mưa, các cháu học sinh không thể tự đi về được, như vậy việc học theo chế độ bán trú là cần thiết. Với những hộ nghèo trong bản, việc cắt giảm chế độ hỗ trợ khiến các cháu học sinh và cả người dân rất thiệt thòi, chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách nào đó hỗ trợ cho người dân, nhất là các cháu học sinh gia đình nghèo, ở xa trường học…
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, năm học 2021 - 2022, tổng số học sinh của huyện không còn hưởng chế độ hỗ trợ là 741 em, trong đó trẻ Mầm non (hưởng hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND) là 603 em; học sinh Tiểu học và THCS (hưởng hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ/CP) là 84 em; học sinh THCS (hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND) là 54 em. Phần lớn các em gia đình thuộc diện hộ nghèo, nên việc không được hưởng hỗ trợ khiến nhiều em không còn được đến trường. Ông Đao Văn Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, để duy trì sĩ số các lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần, huyện đã kêu gọi xã hội hóa để có thể hỗ trợ phần nào cho các em yên tâm ra lớp. Cùng với đó, chỉ đạo ngành giáo dục huyện tích cực đến các bản, gia đình để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Giải pháp trước mắt là thế, nhưng chúng tôi rất mong muốn tỉnh kiến nghị với Trung ương hỗ trợ cho các em học sinh thuộc các gia đình khó khăn của huyện Mường Tè cũng như các địa phương khó khăn khác trong tỉnh.
Theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu được phê duyệt tổng số 106 xã, phường thị trấn (giảm 02 xã do sáp nhập), trong đó: 54 xã khu vực III (giảm 08 xã so với giai đoạn trước), 01 xã khu II (giảm 37 xã so với giai đoạn trước), 51 xã khu vực I (tăng 43 xã so với giai đoạn trước) và 136 bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, II (giảm 5 bản so với giai đoạn trước). Như vậy, khi các quyết định này được ban hành, các chính sách chịu tác động tập trung vào các xã biến động từ khu vực II, III về khu vực I và các bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I nhưng nay không còn là bản đặc biệt khó khăn.
Đối với chính sách về bảo hiểm Y tế theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, tỉnh Lai Châu có trên 98.132 người ở 2 nhóm đối tượng (người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và người đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Việc cắt giảm thẻ bảo hiểm Y tế đột xuất với số lượng lớn đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế nhóm đối tượng này đời sống vẫn rất khó khăn, nên họ không có điều kiện để mua bảo hiểm y tế. Điều này cũng dẫn tới việc thực hiện các mục tiêu bao phủ BHYT tại tỉnh đến năm 2025 đạt 95% dân số, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là 96,8% và các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe Nhân dân là khó thực hiện.
Ngoài việc ảnh hưởng lớn về chính sách giáo dục, y tế, thì phải kể đến sự tác động bởi các chính sách về vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, chính sách cho cán bộ y tế xã, cán bộ xã, chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn, hàng nghìn lượt hộ nghèo, học sinh các cấp và cán bộ tại các khu vực khó khăn bị ảnh hưởng. Ông Trần Hữu Chí, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, các quy định này đã tác động lớn đến việc thực hiện chính sách như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ cho học sinh, hỗ trợ vay vốn và một số chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, do các Quyết định mới được ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày ký nên các cơ quan chức năng chưa kịp tuyên truyền, triển khai đến Nhân dân về tác động của các Quyết định đối với các chính sách người dân đang thụ hưởng, điều này tạo ra sự hụt hẫng với người dân khi đột ngột bị cắt giảm chế độ.
Cần có giải pháp để hỗ trợ người dân
Để "gỡ khó" cho người dân, tỉnh Lai Châu đã chủ động chỉ đạo các địa phương tìm các giải pháp để thực hiện. Điển hình như huyện Mường Tè, để nâng cao tỷ lệ chuyên cần và tỷ lệ học sinh đến lớp, huyện đã huy động xã hội hóa và đẩy mạnh tuyên truyền. Tại các điểm bản, các thầy cô giáo và chính quyền xã đã tăng cường vận động đưa học sinh về các điểm bản để học, nhờ đó đến ngày 11/10, tỷ lệ chuyên cần của huyện đã đạt 99,4%..
Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với tỉnh và Trung ương, trong đó đối với chính sách về giáo dục, đề nghị tỉnh nghiên cứu cho chủ trương xây dựng chính sách để hỗ trợ cho đối tượng học sinh không còn chế độ khi các xã chuyển từ khu vực III, khu vực II sang khu vực I trong khi đời sống của người dân ở các xã này còn nhiều khó khăn. Mục đích là hỗ trợ cho các đối tượng ở các xã mới chuyển từ khu vực III, khu vực II sang khu vực I còn gặp nhiều khó khăn và chưa thích nghi kịp với sự thay đổi về chính sách. Đối tượng hỗ trợ tập trung chủ yếu vào đối tượng là học sinh (chỉ hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh). Mức hỗ trợ sẽ thấp hơn mức cũ và giảm dần theo các năm.
Đối với Chính sách vay vốn sản xuất kinh doanh, đề nghị tỉnh bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay trên địa bàn các xã bị tác động trong giai đoạn 2021-2023 nhằm bù đắp phần thiếu hụt nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế do thay đổi cơ chế chính sách. Với chính sách về bảo hiểm y tế, đề nghị tỉnh kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã khu vực II, III theo các tháng đến hết năm 2021.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có rất nhiều tấm gương hộ gia đình vượt khó, làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để có động lực phát triển kinh tế. Bởi vậy, tại các xã, bản đã được ra khỏi vùng khó theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với những giải pháp trước mắt được đề nghị đưa ra để hỗ trợ người dân, thì về lâu dài, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, khuyến khích người dân nỗ lực vượt khó, tự lực gây dựng cuộc sống từng bước thoát nghèo.