A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Đưa chính sách tín dụng đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách

(laichau.gov.vn)

Năm 2023 cùng với các chính sách chung của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lai Châu đã và đang nỗ lực triển khai đưa các chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, giúp người dân được tiếp cận với nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiểm tra công tác vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Thổ.

Để đưa chính sách tín dụng kịp thời đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, tỉnh đã thành lập Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách tỉnh và UBND các huyện cũng đã thành lập Ban Đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện; thường xuyên củng cố, kiện toàn thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp; kịp thời triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; phân bổ nguồn vốn các chương trình tín dụng đảm bảo đúng quy định, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố quan tâm bố trí nguồn lực địa phương để thực hiện cho vay chính sách tín dụng đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Xác định chính sách tín dụng là cơ hội để giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng; ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, phối hợp triển khai các hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội và vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; hướng dẫn UBND cấp xã rà soát đối tượng vay vốn để lập danh sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các tổ dân phố, thôn bản theo đúng quy định; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, lồng ghép chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả… Chú trọng công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giúp người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.

Ông Trịnh Trọng Tấn - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: Nguồn vốn từ chính sách tín dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, những tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ, nhận thức để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện cho vay 17 chương trình tín dụng, trong đó bao gồm cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định 28/NĐ-CP về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng dư nợ cho vay đạt 3.677.693 triệu đồng, tăng 469.580 triệu đồng so với năm 2022, tỷ lệ tăng 14,6% đạt 100% kế hoạch tăng trưởng. Doanh số cho vay 1.085.661 triệu đồng, với 18.497 lượt khách hàng vay vốn. Từ nguồn vốn được vay, các hộ nghèo, các đối tượng chính sách đã đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường phục vụ đời sống, xây dựng nhà ở… Trong đó, đã có 4.118 lượt hộ nghèo, 1.392 lượt hộ cận nghèo, 155 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; cho 4.052 hộ gia đình xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn, 4.712 khách hàng được vay vốn giải quyết việc làm; 103 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động…

Từ nguồn vốn vay tín dụng, gia đình anh Hồ Văn Trường (ngoài cùng bên phải), bản Huổi Sen, xã Mường So, huyện Phong Thổ chăm sóc đàn dê, phát triển kinh tế.

Gia đình anh Hồ Văn Trường, bản Huổi Sen, xã Mường So, huyện Phong Thổ được vay 77,5 triệu đồng vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ để chuyển đổi công việc. Từ nguồn vốn vay, gia đình anh Trường đã sử dụng một phần số tiền để thuê máy xúc san gạt các ruộng bậc thang thành 1 thửa ruộng lớn, bằng phẳng để gieo trồng; đầu tư mua giống nuôi vịt đẻ trứng; mở rộng ao nuôi cá từ 400m2 lên gần 1.000m2 mặt nước. Sau gần nửa năm chuyển đổi, gia đình anh đã có 300 con vịt đẻ trứng, mua nuôi dê sinh sản với đàn dê trên 10 con, gia đình anh đã thoát khỏi hộ nghèo…

Qua kiểm tra đánh giá cho thấy, đến thời điểm này nguồn vốn vay được các hộ gia đình sử dụng đúng mục đích, giúp các hộ có nguồn vốn làm ăn, phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Một số mô hình tiêu biểu đang được các địa phương nhân rộng. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các tổ chức Hội có vốn ủy thác đã nỗ lực giúp đỡ bà con sử dụng vốn hiệu quả, tích cực tuyên truyền bà con chấp hành các quy định về trách nhiệm của người vay. Do vậy hầu hết hộ vay đều thực hiện trả lãi, trả gốc khi đến hạn. 

Có thể nói, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là cơ hội “tiếp sức” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Để chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, rất cần có sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội trong tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; kịp thời phân bổ nguồn vốn tín dụng, trong đó tập trung nguồn lực vào một số ngành nghề phù hợp với thực tế địa phương, từ đó mở ra cơ hội để bà con tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi, tạo sinh kế phát triển kinh tế lâu dài, xóa đói giảm nghèo...


Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.017
Hôm qua : 5.242
Tháng 11 : 126.749
Năm 2024 : 2.279.653
Tổng số : 83.745.746