A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển kinh tế tập thể ở Lai Châu - tìm hướng đi cho phát triển mới

(laichau.gov.vn)
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 317 hợp tác xã (HTX), tăng 268 HTX so với năm 2005 (49 HTX), trong đó có 234 HTX đang hoạt động, 01 chi nhánh HTX và 02 Quỹ tín dụng nhân dân, hiệu quả hoạt động của các HTX được nâng lên, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho xã viên, tổ viên; có 200 tổ hợp tác (THT), tăng 137 THT so với năm 2005 (63 THT), doanh thu bình quân của mỗi THT đạt 217 triệu đồng/năm, tăng 117 triệu đồng so với năm 2005.

Sản phẩm rau sạch theo mô hình thủy canh của HTX Quyết Tâm, xã Sang Thàng, thành phố Lai Châu

Trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế tập thể; tích cực tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nhận thức về kinh tế tập thể và tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực.

Để tạo môi trường thuận tiện cho kinh tế tập thể phát triển, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; triển khai thực hiện nghiêm túc Luật HTX và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, các chính sách phát triển kinh tế tập thể của Nhà nước. Quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực HTX, tổ chức 18 lớp với trên 1.656 học viên là cán bộ quản lý HTX, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, uỷ viên ban quản trị, trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên HTX, cán bộ kế cận trong HTX; đồng thời mở 12 lớp đào tạo, nâng cao tay nghề của thành viên và lao động cho 1.426 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ. Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cấp và cho HTX thuê đất để phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng trụ sở làm việc,... Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 dự án đầu tư của các HTX thuộc lĩnh vực trồng rừng, sản xuất vật liệu xây dựng với tổng diện tích 1.000 ha; cấp phép cho 02 HTX xây dựng trụ sở làm việc và cửa hàng kinh doanh với diện tích là 1.694,5m2; cấp phép cho 14 HTX được thuê đất có thu tiền sử dụng đất với tổng diện tích là 120,663 ha; tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho 5 HTX, làng nghề truyền thống để phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhằm giúp các HTX thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh luôn duy trì Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Lai Châu do Liên minh HTX tỉnh quản lý, đến nay vốn Điều lệ của Quỹ là 12,2 tỷ đồng, cho 65 lượt HTX vay vốn 84 dự án với tổng số vốn vay là 23,4 tỷ; dư nợ 11,485 tỷ đồng cho 40 HTX vay vốn. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực, chủ động cho 31 HTX vay vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh với doanh số 490,257 tỷ đồng. Ban hành các chính sách định hướng hỗ trợ HTX phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng; các chương trình, dự án, thu hút được nhiều lao động tại địa bàn, nhất là lao động trong các hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo; triển khai 26 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 2,3 tỷ đồng. Từng bước ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật chọn tạo các cây, con giống có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng thích nghi với điều kiện, khí hậu của tỉnh đưa vào sản xuất. Áp dụng một số quy trình, kỹ thuật, công nghệ mới trong tổ chức sản xuất như: quy trình chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap, quy trình nuôi cá lồng trên lòng hồ, trồng rau xanh trong nhà lưới, công nghệ sản xuất nấm,...

Đi đôi với các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tỉnh luôn quan tâm hoàn thiện chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ các HTX kinh phí thuê gian hàng, trưng bày, vận chuyển sản phẩm... tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; đến nay đã hỗ trợ cho 95 lượt HTX với tổng kinh phí là 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX ngành nghề truyền thống với tổng kinh phí là 600 triệu đồng cho 3 HTX. Ban hành chính sách phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Tạo điều kiện cho 150 doanh nghiệp và HTX tham gia triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, 30a của Chính phủ... thu hút được 7.528 người lao động, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Với việc triển khai các đề án, dự án nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, các HTX đã phát huy hiệu quả, năng suất lao động ở nông thôn, tạo ra nhiều mô hình sản xuất chất lượng. 

Quan tâm xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích thành lập mới HTX, từ năm 2004 - 2018 hỗ trợ 1,4 tỷ đồng thành lập mới 116 HTX, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Số lượng các tổ hợp tác, HTX ngày một tăng, từng bước đa dạng ngành nghề, quy mô, trình độ sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 317 hợp tác xã (HTX), tăng 268 HTX so với năm 2005 (49 HTX), trong đó có 234 HTX đang hoạt động, 01 chi nhánh HTX và 02 Quỹ tín dụng nhân dân; có 200 tổ hợp tác (THT), tăng 137 THT so với năm 2005 (63 THT). Triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi lệ phí, phí đăng ký HTX. 

Chất lượng các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của tổ hợp tác, HTX từng bước được nâng lên, tạo công ăn việc làm cho người lao động; tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho xã viên, tổ viên; xuất hiện các mô hình HTX điển hình tiên tiến trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mang lại những kinh nghiệm tốt, sáng kiến hay trong tổ chức và hoạt động của các HTX như: Mô hình kinh doanh tổng hợp HTX Phương Nhung, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, mang lại thu nhập bình quân đạt từ 07 đến 09 triệu đồng/tháng; Mô hình HTX lâm nghiệp Xuân Oanh, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ với các ngành nghề: trồng và chăm sóc rừng, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc gia cầm... đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; mô hình HTX thủy sản nuôi cá lồng trên hồ thủy điện tại huyện Than Uyên; mô hình nuôi cá nước lạnh; mô hình rau thủy canh. Qua đó, thiết thực hỗ trợ cho kinh tế hộ, kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển đúng hướng, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 31,3% số xã).

Bên cạnh những kết quả tích cực, tốc độ phát triển thành phần kinh tế tập thể của tỉnh chậm so với nhịp độ phát triển chung của các thành phần kinh tế khác, chưa thể hiện rõ nét tính chất của mô hình HTX kiểu mới; quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của đại đa số các HTX, nhất là HTX nông nghiệp trên địa bàn còn nhỏ bé, vốn ít, cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất còn thiếu, lạc hậu; chưa tạo được khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp; phần lớn HTX nông nghiệp chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh dịch vụ theo hướng tổng hợp đa ngành nghề, chủ yếu đang tập trung thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật nên lợi nhuận tạo ra thấp. Điều hành, quản lý HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng còn bất cập; quản lý tài chính, kế toán nhiều nơi còn yếu. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn thấp, việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước còn yếu. Số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Số lượng các HTX tuy có tăng, chất lượng hoạt động của nhiều HTX được nâng lên song chưa vững chắc; tỷ lệ HTX tự có vốn thấp, số lượng và chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ HTX đã ngừng hoạt động kéo dài đang chờ giải thể còn cao. Các Tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh phát triển mang tính tự phát, hoạt động chưa ổn định, mang tính thời vụ, vốn góp còn ít, phạm vi hoạt động chủ yếu tại các xã, phường, thị trấn; chưa đăng ký hoạt động nên chưa được chứng thực và hướng dẫn giúp đỡ, hỗ trợ theo quy định.

Để kinh tế tập thể phát huy tốt vai trò và có sự phát triển nhanh trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý Nhà nước, hỗ trợ, phối hợp của cả hệ thống chính trị chăm lo phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể. Tích cực vận động, tư vấn, hướng dẫn thành lập mới tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; từng bước mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động của các HTX ở những nơi có điều kiện.

Tiếp tục chuyển đổi và củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động theo đúng tính chất và mô hình HTX kiểu mới. Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động các loại hình tổ hợp tác, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với hướng dẫn đăng ký hoạt động với chính quyền sở tại để được chứng thực, tạo điều kiện có đủ cơ sở pháp lý để thiết lập các quan hệ kinh tế và dân sự với các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả xuất nhập khẩu trực tiếp. Rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là chính sách đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học và công nghệ, thị trường... chú trọng các chính sách ưu đãi đối với các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và đối tượng thành viên là nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX và tổ hợp tác được vay vốn từ các ngân hàng thương mại để mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp; lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác; cung cấp thông tin và bao tiêu sản phẩm.


Củng cố và nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban chỉ đạo đổi mới kinh tế tập thể tỉnh và Liên minh HTX tỉnh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm sửa đổi, bổ sung kịp thời những khiếm khuyết trong chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể. Đánh giá các HTX điển hình tiên tiến đã xây dựng trong thời gian qua để tiếp tục phổ biến, nhân rộng mô hình; chú trọng biểu dương những HTX đạt danh hiệu điển hình tiên tiến./.

Xem tin gốc tại đây.

Cập nhật ngày 21/7/2019

Theo La Giang/laichau.dcs.vn


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 314
Hôm qua : 3.981
Tháng 12 : 129.930
Năm 2024 : 2.440.180
Tổng số : 83.906.273