Than Uyên: Nỗ lực thoát nghèo
Mô hình nuôi cá giống của chị Hà Thị Ninh bản Co Phày xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Ảnh nguồn:Baolaichau.vn) |
Ngay sau khi Nghị quyết số 02-NQ/TU được ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung xây dựng Kế hoạch số 29-KH/HU tổ chức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết; kịp thời ban hành Chương trình hành động số 09-CTHĐ/HU về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện sát với tình hình thực tế của huyện. UBND huyện đã cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, tỉnh và huyện về lĩnh vực giảm nghèo, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững hai cấp huyện, xã.
Công tác chỉ đạo, điều hành về giảm nghèo đã có nhiều đổi mới về nội dung, nhận thức trách nhiệm về công tác giảm nghèo của các cấp, các ngành và người dân được nâng lên, đã huy động được cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác tuyên truyền đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân, nhất là người nghèo, nhiều hộ nghèo đã chủ động đăng ký thoát nghèo.
Hàng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, đánh giá đúng thực trạng để giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, thị trấn; triển khai thực hiện có hiệu quả việc kết hợp các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập của hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Trong đó, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, phân bón; hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nâng cao hệ số sử dụng đất; làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm cho người lao động để người dân có thể sống bằng nghề rừng. Năm 2016 thực hiện hỗ trợ 3.343 ha khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo. Các chính sách về hỗ trợ sản xuất đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn và giúp cho người nghèo được tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, huyện cũng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng lao động và tạo thêm việc làm cho lao động ở nông thôn. Các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm từng bước phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người lao động tự tạo được việc làm hoặc tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định. Giai đoạn 2016-2018, toàn huyện đã đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được 2.970 lượt người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%.
Việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo để phát triển sản xuất được quan tâm thực hiện, giai đoạn 2016 – 2018 toàn huyện có 8.219 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn từ các chương trình tín dụng, tổng nguồn vốn đạt 289.814 triệu đồng. Các chương trình hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả tích cực giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện.
Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước được đầu tư hoàn thiện, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, giải quyết cơ bản nhu cầu của người dân về giao thông, nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường, lớp học... tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Giai đoạn 2016-2018, Trung ương đã hỗ trợ 484,823 triệu đồng cho huyện Than Uyên thực hiện công tác giảm nghèo, đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, địa bàn tái định cư. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 11 công trình hệ thống đường giao thông nông thôn mới; đầu tư mới 04 công trình thủy lợi, đến hết năm 2017 toàn huyện có 129 công trình, đảm bảo tưới tiêu cho 4.528 ha bao gồm lúa, rau màu và thủy sản. 100% xã, thị trấn được sử dụng điện lưới Quốc gia; tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới đạt 96%. Tính hết năm 2017, có 148,3 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đạt cứng hóa 100%; có 163,78 km/ 274,97 km đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản được cứng hoá, đạt 59,56%; có 113,94 km đường nội bản được cứng hoá đạt 50,12%; 31,13km đường nội đồng được cứng hoá đạt 26,3%. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông, mạng lưới giao thông trên địa bàn toàn huyện ngày càng được hoàn thiện và phát triển đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Cùng với đó, huyện Than Uyên cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo thiếu hụt 05 nhu cầu xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều của Thủ tướng Chính phủ như về giáo dục, y tế, nhà ở… Các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục đã tạo điều kiện để người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với giáo dục, huyện đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các chế độ chính sách đối với học sinh, giáo viên. Giai đoạn 2016-2018 hỗ trợ chi phí học tập 20.456 triệu đồng cho 36.434 lượt học sinh; hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số ở bán trú tiền ăn trưa 40.344 triệu đồng cho 20.145 lượt học sinh; thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục của các cấp, số trường chuẩn quốc gia hiện tại đạt 17/39 trường đạt 43,6%, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của các cấp tăng dần theo từng năm. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi năm học sau đều tăng so với năm học trước; đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa, đáp ứng được yêu cầu.
Đồng thời, tăng cường nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trên địa bàn huyện; hỗ trợ kinh phí mổ tim miễn phí cho các đối tượng là trẻ em. Thực hiện việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho toàn bộ người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định. Năm 2018 cấp phát 47.189 thẻ tổng kinh phí 32.000 triệu đồng. Ngoài ra, huyệnThan Uyên cũng đã tăng cường công tác tiếp cận thông tin - truyền thông cho người dân và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở…
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,3%/năm và hộ cận nghèo từ 1 đến 1,5%/ năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020, đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2020 còn dưới 20%. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 1,5 lần so với năm 2015. Bình quân thu nhập đầu người của hộ nghèo năm 2018 đạt 10 triệu đồng, tăng 1,66 lần so với năm 2015 (6 triệu đồng), vượt chỉ tiêu đề ra.
Với sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương đặc biệt là ý thức tự vươn lên của người nghèo trên địa bàn huyện, đến tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận huyện Than Uyên ra khỏi huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đã có 3/7 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, chiếm 42% (vượt chỉ tiêu đề ra). Số thôn, bản đặc biệt khó khăn năm 2017 còn 76 thôn, bản; 17/25 chỉ tiêu thành phần cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; củng cố, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Minh Huệ