A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Nông nghiệp nỗ lực vượt khó

(laichau.gov.vn)
Khép lại năm 2018, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức song ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Người dân xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên thu hoạch lúa mùa

Là một tỉnh có xuất phát điểm thấp và ngành Nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2018, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức như: Thời tiết diễn biến bất thường, trong vụ Đông Xuân năm 2017-2018 do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi; mưa lũ sạt lở làm thiệt hại về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và cơ sở hạ tầng nông nghiệp... Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp đã tập trung cao chỉ đạo, bám sát cơ sở, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp do vậy tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2018 đã đạt được những kết quả nhất định.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp của tỉnh đạt từ 5,4 -5,6%. Kinh tế ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định, cơ cấu ngành chuyển dịch theo huởng tích cực, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hình thức trang trại, gia trại khu nông nghiệp công nghệ. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt 215.000 tấn, bình quân lương thực trên đầu người đạt 479,7 kg/người/năm. Việc triển khai cánh đồng tập trung sử dụng 1-2 giống lúa thuần chất lượng được duy trì mở rộng; bước đầu hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung; tích cực chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây chuối, chè, quế, dong riềng.... Toàn tỉnh đã triển khai được 2.358 ha cánh đồng sản xuất tập trung sử dụng một giống lúa chất lượng (tăng 600 ha, tăng 3.600 tấn so với năm 2017, đạt 140,61% kế hoạch) như: J02, IR64, Séng cù, Khẩu ký, Nếp tan Cò Giàng, PC6, Hương thơm số 1... Năng suất đạt 49,5 tạ/ha, sản lượng đạt 11.670 tấn (đạt 141,45% kế hoạch).

Diện tích, năng suất chè không ngừng tăng, tổng diện tích chè hiện có 6.183 ha, trong đó chè kinh doanh 3.377 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 28.000 tấn, diện tích chè trồng mới được 1.154.76 ha, đạt 153,97% kế hoạch. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được xác nhận thương hiệu hàng hóa như: Gạo Tẻ râu ở Phong Thổ; Chè Tam Đường, Chè Tân Uyên góp phân nâng cao giá trị sản xuât hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. 

Diện tích cây cao su tiếp tục được chăm sóc, đã đưa vào khai thác 3.446 ha, sản lượng đạt 2.757 tấn mủ khô. Tổng diện tích cây ăn quả các loại 5.924 ha, đã hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Vùng cây ăn quả ôn đới, cây có múi tại huyện Tam Đường, vùng trồng chuối tại huyện Phong Thổ… bước đầu cho sản lượng và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Công tác chăn nuôi đã có sự phát triển tích cực, tổng đàn gia súc đạt 385.690 con, tăng 17.475 con so với năm 2017 (đạt 100% KH), đặc biệt là đàn lợn tăng 16.750 con. Đàn gia cầm đạt 1.428.000 con; sản lượng thịt hơi các loại đạt 14,83 tấn. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật được tăng cường; kiểm tra giám sát trước, sau khi tiêm phòng kịp thời. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, hệ thống khuyến nông trong tỉnh đã xây dựng và thực hiện được 33 mô hình khuyến nông thuộc các lĩnh vực, nhiều mô hình có khả năng nhân rộng và phát triển theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Diện tích rừng hiện có tiếp tục được bảo vệ tốt, tỷ lệ che phủ rừng được nâng lên đạt 49,11% với trên 455 nghìn ha, diện tích rừng trồng mới 1.981ha. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, đã tổ chức được 1.060 cuộc họp trong cộng đồng dân cư với 58.545 lượt người tham gia và tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người; tiến hành cam kết bảo vệ rừng, PCCCR tới 22.629 lượt hộ dân. Các chỉ tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 2%...

Chương trình xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Một trong những điểm nhấn của ngành nông nghiệp đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của bà con nông dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án, chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sự đồng thuận, chung sức giữa Nhà nước và Nhân dân tiếp tục tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Quan hệ sản xuất tiếp tục có thay đổi tích cực, hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, hợp tác, liên kết khép kín được hình thành và phát huy hiệu quả...

Với hướng đi đúng cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tiễn, năm 2018 ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế tỉnh nhà khi tạo ra những bước phát triển mới. Qua đó, không chỉ từng bước thay đổi hình thức sản xuất, chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương mà còn tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch có chất lượng, mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích và đem lại thu nhập cho người nông dân. 

Có được những kết quả trên là do tỉnh Lai Châu đã xác định đúng định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn và các hoạt động xúc tiến thương mại, các hàng hóa đặc thù, chủ lực của tỉnh sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất …

Năm 2019 là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Để đạt được mục tiêu trên, ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản trong năm 2019 đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 tạo tiền đề cho năm 2020 trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết HĐND tỉnh. Đồng thời, giữ vững an ninh lương thực, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp; nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

Trong đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các cánh đồng tập trung sử dụng 1-2 giống lúa thuần; đẩy mạnh mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân. Huy động tổng hợp, xã hội hóa nguồn lực, ưu tiên ngân sách để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho nông dân phát triển kinh tế, có tích lũy để tái sản xuất mở rộng và đầu tư phát triển; chủ động phát huy hiệu quả nguồn lực tại chỗ; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát huy sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn.

Với sự chủ động tích cực của Ngành Nông nghiệp và nỗ lực của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tin rằng nền nông nghiệp của tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu đã đề ra.

Như Quỳnh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.796
Hôm qua : 5.242
Tháng 11 : 126.528
Năm 2024 : 2.279.432
Tổng số : 83.745.525